Quan tâm bảo tồn, phát triển cây dược liệu

09:11, 21/11/2017

Tỉnh ta nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới, có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, đa dạng về chủng loại. Tuy nhiên, do quá trình khai thác và sử dụng mang tính tự phát nên nguồn cây dược liệu dần cạn kiệt. Tại các trạm y tế, các vườn cây thuốc tồn tại chỉ để hướng dẫn cho người dân biết cách trồng và sử dụng mà không được quan tâm phát triển.

Người dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) chăm sóc cây đinh lăng.
Người dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) chăm sóc cây đinh lăng.

Trước thực trạng trên, việc bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc hiện đang được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu làm thuốc, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân. Các loại cây thuốc đang được đầu tư bảo tồn, phát triển gồm: củ gấu biển, diệp hạ châu, sâm đất, sài hồ được trồng tại nhiều địa phương; đinh lăng được trồng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy; cây ngưu tất được trồng ở Vụ Bản; cây dây thìa canh được trồng ở các xã Hải Lộc, Hải Toàn (Hải Hậu); cây hoa hòe trồng tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường… Những năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất thuốc từ thảo dược đã tiến hành các điều tra, nghiên cứu đất đai, khí hậu và đánh giá tỉnh ta có điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, đất đai thuận lợi cho phát triển sản xuất nhiều loại cây dược liệu. Cty cổ phần Traphaco đã liên kết xây dựng một số vùng trồng cây đinh lăng tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Viện Dược liệu tiến hành nghiên cứu và trồng cây dây thìa canh tại xã Hải Toàn (Hải Hậu); Cty TNHH Nam Dược thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình chiết Saponin từ rễ cây đinh lăng trên quy mô công nghiệp” tại một số địa phương trong tỉnh… Ngoài ra, Cty TNHH Nam Dược còn mở rộng các vùng trồng nguyên liệu thuốc nam đạt chuẩn qua việc kết hợp với chính quyền các địa phương để trồng dây thìa canh, diệp hạ châu, đinh lăng… Hiện tại, ngoài Cty CP Traphaco đang tiến hành liên kết tạo một số vùng trồng dược liệu tại Hải Hậu thì các doanh nghiệp khác cũng đang chú trọng xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung, đạt tiêu chuẩn GAP-WHO tại một số xã như: Nghĩa Lạc, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Hải Toàn, Hải Lộc (Hải Hậu)… Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất thuốc từ thảo dược như Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty TNHH Nam Dược, Cty TNHH Dược phẩm Hoa Sen, Chi nhánh Cty CP Dược phẩm Trường Thọ, Cty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên, Cty CP Dược phẩm PQA nên nhu cầu về nguồn cung nguyên liệu thảo dược rất lớn. Ngoài ra, hệ thống kinh doanh (buôn bán, xuất nhập khẩu) dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện gồm 3 Cty và 20 hộ kinh doanh dược liệu cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, bào chế, chiết xuất dược liệu… cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu của tỉnh. Mặt khác, theo Quyết định số 1796/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta là một trong 8 vùng quy hoạch trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh và nằm trong vùng quy hoạch phát triển 12 loài dược liệu bản địa (cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hoè, củ mài, hương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề) và 8 loài nhập nội (bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả). Đó là những điều kiện và lợi thế bước đầu để tỉnh ta bảo tồn, phát triển các vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. 

Để bảo tồn, phát triển cây thuốc và tiến tới quy hoạch vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững gắn với mục tiêu đưa cây thuốc trở thành cây trồng có giá trị thu nhập cao, các ngành chức năng, các địa phương và các doanh nghiệp sản xuất thuốc đang tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc trong cộng đồng; tìm kiếm, khai thác, sử dụng dược liệu mới, làm sáng tỏ cơ sở khoa học của các vị thuốc, các bài thuốc đông y. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến để chiết xuất cao các nguồn dược liệu theo tiêu chuẩn, tinh chế các sản phẩm từ dược liệu thành nguyên liệu dùng trong công nghiệp dược và trong các ngành hóa học các hợp chất tự nhiên. Phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ về bào chế thuốc, công nghệ sinh học để phục vụ sản xuất các thuốc mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai thác đến chế biến, sử dụng dược liệu trong sản xuất thuốc, khám chữa bệnh và các ngành sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Để tạo điều kiện bảo tồn, phát triển nguồn cây thuốc, tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc cũng như các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu các sản phẩm dược liệu. Có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, nguồn vốn nhằm giúp các doanh nghiệp, nông dân hình thành và phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng” của Tổ chức Y tế thế giới đối với các dược liệu. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành dược liệu từ khâu nuôi trồng, khai thác đến chế biến, sử dụng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiểu biết về bảo tồn và phát triển cây thuốc phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com