Người Công giáo huyện Trực Ninh tham gia phát triển kinh tế, xây dựng NTM

08:09, 11/09/2017

Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, đồng bào Công giáo huyện Trực Ninh đã tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Trực Ninh hiện có 16 nhà thờ giáo xứ và 73 nhà thờ giáo họ với số giáo dân chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Những năm qua, thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, đồng bào Công giáo huyện Trực Ninh đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Tại các khu dân cư, người Công giáo trong huyện đã tích cực tham gia thực hiện phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động. Hầu hết các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân đều nhận thức được lợi ích của phong trào, phù hợp với tiêu chí xây dựng NTM và nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Người Công giáo cùng với nhân dân các xã, thị trấn trong huyện đã đóng góp nguồn lực để chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo nâng cấp đường giao thông nội đồng, đường giao thông thôn xóm, xây dựng đường điện chiếu sáng trong các ngõ, xóm và xây dựng các công trình phúc lợi khác như: nhà văn hoá thôn xóm, hệ thống nước sạch, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, người Công giáo trong huyện tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khắc phục khó khăn về thời tiết, dịch bệnh... để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống sung túc hơn.

Giáo dân xã Trực Mỹ trao đổi việc thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Giáo dân xã Trực Mỹ trao đổi việc thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Thực tế trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang lại hiệu quả cao như: Cty TNHH Cường Tân (xã Trực Hùng) thực hiện tích tụ ruộng đất, thuê lại ruộng của nông dân, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất giống lúa lai, mỗi năm cung cấp cho thị trường cả nước hàng trăm tấn giống lúa các loại, tạo việc làm và thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, trong đó có bà con giáo dân các xã Trực Hùng, Trực Thái… Cty TNHH Ngọc Anh (xã Trực Hùng) đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng nhà lưới để trồng rau, củ, quả sạch theo công nghệ thủy canh đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước... Nhiều hộ gia đình giáo dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao như giáo dân các giáo xứ: An Lãng xã Trực Chính; Trung Lao xã Trung Đông; Lác Môn, Tân Lý xã Trực Hùng; Quỹ Ngoại xã Trực Mỹ; Ninh Cường, Tây Đường xã Trực Phú, Tùng Nhì xã Trực Thắng... Nhiều mô hình trang trại, gia trại của giáo dân được hình thành kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản mỗi năm cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng trở lên như gia đình các ông: Nguyễn Thanh Phi, giáo họ Bắc Đường, Vũ Hoàng Hà, giáo họ Thanh Minh xã Trực Phú; Lương Xuân Bắc giáo họ Cự Phú xã Trực Hưng… Ngoài ra, trong phát triển CN-TTCN bà con giáo dân đã nhạy bén, chủ động học hỏi, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều Cty, cơ sở sản xuất của các hộ gia đình Công giáo đang phát triển và từng bước mở rộng đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống tại các địa phương như: Sản xuất đồ gỗ, thêu ren ở Trung Lao; vận tải thuỷ, đóng tàu thuyền vỏ thép ở Phú An; Sản xuất sợi PE, vật liệu xây dựng, đóng tàu thuyền ở Trực Hùng... Nhiều mô hình phát triển ngành nghề, dịch vụ cho thu nhập 100-500 triệu đồng mỗi năm như: Cty Minh Tiến ở giáo họ Nam Cường, Trực Mỹ sản xuất gạch tuy-nen; Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng ở giáo họ Tân Thành, xã Trực Hùng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có mức lương từ 3,5-7 triệu đồng/người/tháng; Nghề thêu ren ở Trung Lao tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tham gia các phong trào của địa phương. Đến nay, thực hiện phong trào “Cả nước chung tay xây dựng NTM”, người Công giáo toàn huyện đã hiến và đóng góp 317,43ha đất nông nghiệp trị giá 365 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, đóng góp 4,04ha đất thổ cư; 2,01ha đất thổ canh; 83,6ha đất nông nghiệp trị giá 263,8 tỷ đồng để làm đường giao thông. Bà con đã góp sức làm mới, cải tạo, nâng cấp 534km đường giao thông nội đồng, trong đó 93km đường trục xã, 225km đường thôn xóm, 125km đường dong ngõ, 91km đường trục chính nội đồng và cải tạo 25 cầu dân sinh trị giá hàng tỷ đồng; kiên cố 20km kênh cấp III, nạo vét trên 1,24 triệu m3 kênh mương cấp III. Hiện đã có gần 8.000 hộ giáo dân trong huyện có mức sống khá trở lên, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trên 90% số hộ có nhà xây kiên cố, trên 98% số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh, 100% xứ, họ có điện thắp sáng, đường trục xã, đường liên thôn, liên xóm khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, bà con giáo dân trong huyện tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, gia đình giáo dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa theo hương ước, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh bài trừ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa… Toàn huyện có trên 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”, 86 xứ, họ đạt tiêu chuẩn “Xứ, họ tiên tiến”, 95% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa…

Những kết quả đã đạt được trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng NTM của người Công giáo huyện Trực Ninh trong những năm qua góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM của huyện, làm khởi sắc diện mạo các vùng quê, khẳng định được vai trò, trách nhiệm của người Công giáo trong xây dựng quê hương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com