Xung kích, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh

08:07, 14/07/2017
Thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Tổng Cty CP Dệt may Nam Định luôn phát huy tinh thần xung kích sáng tạo trong lao động, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ, phần việc khó, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp.
 
Đầu tháng 6-2017, Đoàn Thanh niên Tổng Cty CP Dệt may Nam Định bắt đầu đảm nhận việc vận hành chính thức hệ thống điều không của gian máy xe sợi của Nhà máy sợi. Trước thực trạng hệ thống điều không của gian máy xe sợi ở Nhà máy Sợi sử dụng công nghệ cũ, bám bụi, làm nóng không gian, độ ẩm không đảm bảo, tốn tiền điện…, Đoàn Thanh niên Tổng Cty đã nghiên cứu, lắp đặt hệ thống điều không mới. So với hệ thống máy cũ lạc hậu, hệ thống máy mới có nhiều ưu điểm như: giảm bụi, nhiệt độ giảm trên, dưới 6 độ so với nhiệt độ môi trường bên ngoài, duy trì độ ẩm, tăng quá trình hồi ẩm trong quá trình xe sợi. Đặc biệt, so với hệ thống cũ tốn điện năng, hệ thống mới chạy trên động cơ 35kW/h được đưa vào vận hành có thể tiết kiệm tới 70 triệu đồng tiền điện/tháng. Hoàng Thị Hải, đoàn viên Nhà máy Sợi Nam Định, “Bàn tay vàng” ngành sợi từ lâu là một “cây sáng kiến”. Năm 2016, Hải và nhóm của mình đề xuất các sáng kiến: Phương pháp mối nối nhanh và đi tua hợp lý; thiết kế và tận dụng sắt thép phế liệu làm chuồng đựng ống; cải tạo, thiết kế giá đựng vật tư cho kho phụ tùng; cải tạo bộ đun xơ của phin lọc cotton; tận dụng đường ray cũ làm đường ray mới cải tạo máy vệ sinh của máy con cũ lắp cho máy xe; thiết kế hệ thống đèn báo cho máy con và máy thô… Trong đó, sáng kiến phương pháp mối nối nhanh và đi tua hợp lý của Hải đã được áp dụng rộng rãi, nâng cao năng suất lao động. Theo đó, ưu điểm của sáng kiến là tìm ra các thao tác nối nhanh, đúng kỹ thuật, đảm bảo cho máy chạy liên tục, không bị đứt, quả sợi không bị thắt ngẫng giúp cho công nhân có thể đứng được nhiều máy con hơn. Trong quá trình đứng máy, ngoài việc đảm bảo nối nhanh thì việc đi tua liên tục không được trùng máy giúp máy không bị đứt sợi, bông quấn lên suốt cũng rất quan trọng. Hay như sáng kiến sử dụng lại thuốc nhuộm hoàn lưu của đoàn viên Đào Trọng Tường, Nhà máy Nhuộm giúp tiết kiệm 30% thuốc nhuộm trong một lần nhuộm vải. Đoàn viên Trần Thị Quỳnh, dây chuyền 1, Cty May 2 cải tiến quy trình tra cổ áo từ 6 công đoạn xuống còn 3 công đoạn, đạt năng suất lao động cao nhất Cty... Đây chỉ là một số sáng kiến mà tuổi trẻ Tổng Cty Dệt may Nam Định thực hiện trong thời gian qua, góp phần tích cực vào việc tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.
ĐVTN Nhà máy Sợi trong một ca sản xuất.
ĐVTN Nhà máy Sợi trong một ca sản xuất.
Đoàn Thanh niên Tổng Cty CP Dệt may Nam Định hiện có 1.078 ĐVTN sinh hoạt tại 69 chi đoàn cơ sở. Đây là lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; luôn năng động, sáng tạo, xung kích trên các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh. Hưởng ứng các phong trào xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, Đoàn Thanh niên Tổng Cty đã phát động các phong trào thi đua như: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Sáng tạo trẻ”… Từ đó, tuổi trẻ trong Cty mạnh dạn đảm nhận các đề tài nghiên cứu, công trình, phần việc thanh niên gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, giúp tiết kiệm chi phí và làm lợi hàng trăm triệu đồng. Trong 5 năm qua, Đoàn Thanh niên Tổng Cty có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó một số cơ sở Đoàn tiêu biểu trong hoạt động này có thể kể đến như: May 1, May 2, chăn len, sợi, nhuộm… Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Giỏi một nghề và biết thành thạo một nghề khác”…, nhiều ĐVTN tích cực hưởng ứng, tạo ra lớp thợ trẻ “đa nghề”, trong đó đã có nhiều ĐVTN có tay nghề cao được ghi nhận tại các hội thi thợ giỏi cấp ngành và liên tục trong danh sách những công nhân có thu nhập cao nhất của Tổng Cty như: Trần Thị Tươi, Trương Thị Tuệ, Nhà máy Sợi đảm nhận đứng 8-10 máy (trong khi trung bình 1 thợ chỉ đảm nhận 4-6 máy) đạt danh hiệu Bàn tay vàng, Thợ giỏi cấp tập đoàn. Hằng năm, tại các hội thi giỏi cấp ngành và tập đoàn, lực lượng thanh niên đạt các giải Bàn tay vàng luôn chiếm khoảng 45%.
 
Bên cạnh đó, tuổi trẻ Tổng Cty CP Dệt may Nam Định luôn xung kích trong lao động sản xuất, tiên phong tham gia đảm nhận các khâu, phần việc khó, các công trình, phần việc thanh niên như: vệ sinh máy móc, nhà xưởng, khuôn viên nhà máy, xí nghiệp; tăng ca để kịp tiến độ giao hàng, đẩy nhanh năng suất trong giờ để giảm giờ làm thêm; đào tạo, rèn nghề cho thợ mới; thành lập các tổ máy thanh niên nhằm phát huy tinh thần đi đầu của tuổi trẻ. Hiện, 100% các nhà máy có tổ máy thanh niên, những tổ máy này có nhiệm vụ đảm nhiệm các khâu, phần việc khó nhất trong các dây chuyền sản xuất, từ đó đáp ứng được yêu cầu chất lượng và tiến độ cho các đơn hàng. Cụ thể, ở các tổ máy, ĐVTN thực hiện nhiều giải pháp: tăng ca, làm thêm ngày chủ nhật. Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm của tổ máy thanh niên ngày càng được nâng cao. Hằng năm, Đoàn Thanh niên Tổng Cty còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về lý thuyết và thực hành kỹ thuật nhằm nâng cao tay nghề cho thanh niên, tạo điều kiện cho tuổi trẻ tiếp cận với những kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao tay nghề. Nhiều chi đoàn cơ sở đã phân công các thợ giỏi có kinh nghiệm kèm cặp đoàn viên, thợ mới ngay tại dây chuyền sản xuất; hoặc phân chia trong ca sản xuất những thợ có tay nghề cứng kèm các thợ trẻ như ở chi Đoàn Cty CP Chăn len, Cty May I, May II, May IV, đưa thợ giỏi về các làng nghề để đào tạo nghề cho lao động trẻ ngay tại địa phương…
 
Để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, thời gian tới, Đoàn Thanh niên Tổng Cty CP Dệt may Nam Định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xung kích, sáng tạo trong lao động sản xuất, phát động các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cụ thể của đơn vị; phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự trang bị kiến thức để vận dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của thanh niên; tiên phong trong công tác ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào hoạt động sản xuất của đơn vị; rèn luyện, nâng cao tay nghề, giúp ĐVTN mới nhanh chóng hòa nhập vào dây chuyền sản xuất, tích cực lao động sản xuất góp phần cùng đơn vị, Tổng Cty hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh./.
 
Bài và ảnh: Hoa Quyên


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com