Quan tâm chăm lo đời sống hội viên nông dân vùng đồng bào có đạo

08:07, 11/07/2017
Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo, Hội Nông dân (HND) các cấp trong tỉnh luôn chú trọng triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút đông đảo hội viên nông dân có đạo tham gia, khích lệ hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, vượt khó, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 
 
Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có trên 78 nghìn hộ nông dân là đồng bào công giáo đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”, trong đó có nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc như hộ ông Nguyễn Văn Thang hội viên nông dân chi HND xóm 4, xã Xuân Đài (Xuân Trường). Là một hội viên theo đạo Thiên Chúa, sau thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, ông đã bắt tay xây dựng trang trại tổng hợp với quy mô gần 5ha, tạo việc làm cho 10 lao động. Vừa phát triển kinh tế, ông còn tích cực giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Hay hội viên nông dân Trần Văn Hài, ở chi hội 18, xã Trực Hùng (Trực Ninh) là hội viên công giáo; chủ cơ sở sản xuất sợi P.E tổng hợp với 8 giàn máy phục vụ cho sản xuất, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 hội viên nông dân, thu nhập từ 2,5 đến 6,6 triệu đồng/người/tháng; ông Lưu Tuấn Việt, xóm Nguyên Lực, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) chuyên kinh doanh thóc, gạo, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng... Hộ gia đình anh Lê Văn Nhân, hội viên nông dân chi HND thôn Hạ Ninh, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) cũng là một trong những điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau thời gian bôn ba khắp nơi, làm đủ thứ nghề như buôn bán xe máy, làm dịch vụ. Năm 2016, anh đã bàn với vợ mở cơ sở may gia công quần áo thời trang. Anh Nhân chia sẻ: “Khi mở cơ sở, được sự hỗ trợ của HND xã, tôi vay mượn ngân hàng, anh em bạn bè được 400 triệu đồng để đầu tư 25 máy may”. Hiện cơ sở của gia đình anh đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động với mức lương bình quân 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Để cơ sở phát triển ổn định, anh đã ký hợp đồng và liên kết với một Cty may xuất khẩu ở Thành phố Nam Định. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất trên 1,5 vạn sản phẩm. Còn đối với ông Vũ Quốc Tuấn, thôn Bùi Chu, xã Xuân Ngọc lại chọn hướng theo nghề truyền thống của gia đình là sản xuất đồ mộc dân dụng và kinh doanh đồ gỗ cao cấp. Năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông bắt đầu lập nghiệp với nghề truyền thống của gia đình. Hiện cơ sở của ông đang tạo việc làm cho 7 lao động, lương bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, trong những năm qua, để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, HND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành Hội và các cơ sở chú trọng đến hội viên là đồng bào có đạo. Các cấp Hội từ tỉnh tới cơ sở đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ đạt trên 5.278 tỷ đồng tạo điều kiện cho trên 61.500 hộ vay; nhận uỷ thác từ Ngân hàng CSXH với dư nợ 965 tỷ đồng cho 42.677 hộ vay. Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh đã xây dựng được 191 Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số nguồn vốn là 21 tỷ 405,77 triệu đồng cho 1.181 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn uỷ thác của Trung ương HND có 25 dự án cho 345 hộ vay với số vốn 13,1 tỷ đồng. Nguồn vốn đã hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi bò sinh sản; nuôi trồng thuỷ sản; trồng cây cảnh nghệ thuật và sản xuất đồ gỗ truyền thống, sản xuất nước mắm truyền thống... Cùng với đó, HND các cấp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên nông dân là đồng bào công giáo tham dự. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều trang trại, mô hình làm kinh tế giỏi, khôi phục ngành nghề truyền thống như: Thêu ren, đồ mỹ nghệ, mây tre đan, cơ khí, mộc, dâu tằm... thu hút hàng nghìn lao động có việc làm. 
 
Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào có đạo nhận thức đầy đủ, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cấp HND trong tỉnh luôn coi trọng công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội vùng đồng bào có đạo, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hội viên; đa dạng các hình thức tập hợp rộng rãi thu hút nông dân có đạo tham gia sinh hoạt Hội. Hoạt động của Hội ngày càng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân nên đã thu hút được nhiều hội viên nông dân tham gia sinh hoạt, trong đó có nhiều hội viên là người có đạo. Tổng số hội viên nông dân trong toàn tỉnh hiện nay có trên 345 nghìn hội viên, chiếm 91,2% so với hộ nông dân. Trong đó, hội viên có đạo có trên 89 nghìn hội viên, chiếm 25,8% tổng số hội viên trong toàn tỉnh. Bên cạnh việc hỗ trợ hội viên là đồng bào công giáo phát triển kinh tế, HND các cấp chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân vùng đồng bào có đạo hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tích cực vận động hội viên nông dân tham gia phong trào “Xây dựng gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn văn hoá”. Trung bình hằng năm có 80-85% số hộ hội viên nông dân đăng ký và có 70% số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”. Đặc biệt hội viên nông dân là tín đồ tôn giáo luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do HND và địa phương phát động, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”./.
 
Hoàng Tuấn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com