Nhân lên những nét đẹp của gia đình văn hoá

07:06, 29/06/2017
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) ở các địa phương đã phát triển sâu rộng, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa và bảo lưu nhiều nét đẹp của gia đình truyền thống. 
Cán bộ văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (người ngoài cùng bên phải) phổ biến các tiêu chí gia đình văn hóa cho các hộ dân.
Cán bộ văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (người ngoài cùng bên phải) phổ biến các tiêu chí gia đình văn hóa cho các hộ dân.
Để tạo động lực phát triển phong trào xây dựng GĐVH, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng GĐVH. Sở VH, TT và DL phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng GĐVH cho đội ngũ cán bộ văn hóa và Ban công tác Mặt trận cơ sở. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam năm 2017, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức Tọa đàm - Giao lưu với chủ đề “Phụ nữ với Gia đình” nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người về trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc... Ở các địa phương, công tác tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng GĐVH thông qua các buổi họp dân, các đợt sinh hoạt của chi hội Phụ nữ, chi đoàn Thanh niên, chi hội Người cao tuổi, chi hội CCB… để các hội viên, đoàn viên hiểu, tích cực hưởng ứng. Nhiều mô hình hoạt động của các đoàn thể có tác dụng thúc đẩy phong trào xây dựng GĐVH phát triển như: Gia đình nông dân văn hoá; Gia đình phụ nữ văn hóa; Gia đình CCB văn hoá… Với sự tập trung chỉ đạo và cách làm sáng tạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phong trào xây dựng GĐVH đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, phong trào xây dựng GĐVH đã có những chuyển biến rõ nét với 483.677/587.389 GĐVH (đạt tỷ lệ 82,3%,). Trong quá trình triển khai phong trào, mỗi địa phương tùy theo đặc điểm địa lý, văn hoá, có cách làm khác nhau, nhưng đều hướng tới các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của mỗi người về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trong gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Xây dựng GĐVH trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của thời đại về gia đình. Xây dựng GĐVH gắn với các chương trình, phong trào khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Xây dựng khu dân cư văn hóa, làng, xóm văn hóa... Ở Thành phố Nam Định, phong trào xây dựng GĐVH đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Nhằm khích lệ, động viên nhân dân thi đua thực hiện phong trào, từ năm 2015, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, Phòng VH-TT thành phố tiến hành phát sổ tay truyền thống “GĐVH” tới từng TDP, thôn, xóm; trong đó có các tiêu chuẩn về công nhận danh hiệu “GĐVH”, “TDP, thôn, xóm văn hóa”, hình ảnh và danh sách các GĐVH tiêu biểu được biểu dương khen thưởng cấp xã, phường, thành phố... Nhờ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đến nay tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “GĐVH” trên địa bàn thành phố đạt 89%. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng GĐVH  ở Thành phố Nam Định là các phường: Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Vị Hoàng, Lộc Vượng, xã Mỹ Xá… Huyện Hải Hậu là địa phương nhiều năm liền đứng tốp đầu toàn tỉnh về tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Huyện đã vận dụng sáng tạo các tiêu chí xây dựng GĐVH gắn với 8 tiêu chí xây dựng mô hình gia đình NTM, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từng gia đình tự chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, sân vườn khang trang sạch sẽ; mỗi gia đình cơ bản có đủ 3 công trình: Nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; quy hoạch, cải tạo vườn ao theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chủ động học thêm nghề mới, phát triển kinh tế hộ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc... Đến nay, tỷ lệ GĐVH toàn huyện đạt 88,9%. Ở huyện Giao Thủy, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xây dựng NTM và xây dựng đời sống văn hóa của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành các tiêu chí về xây dựng GĐVH-NTM triển khai thực hiện ở các xã, thị trấn. Trong 5 năm qua, huyện đã biểu dương, khen thưởng 142 GĐVH-NTM tiêu biểu xuất sắc. Đến nay toàn huyện có 85% gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Triển khai thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, huyện Nghĩa Hưng chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ dân đăng ký xây dựng GĐVH, trong đó có cam kết nội dung không vi phạm các tệ nạn xã hội. Cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn luôn gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình và người dân địa phương thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng GĐVH, đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa... Đến nay, toàn huyện có tỷ lệ 86,7% gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, toàn tỉnh có 6 GĐVH tiêu biểu xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đó là những gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng GĐVH nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói chung, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng xã hội bình yên, gia đình hạnh phúc.
 
Để phong trào xây dựng GĐVH phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng GĐVH đối với cộng đồng và mỗi gia đình. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu “GĐVH” ở các địa phương, tạo động lực để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng GĐVH./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com