Xuân Trường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:06, 26/06/2017
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Xuân Trường tập trung chỉ đạo. Mỗi năm, có khoảng 3.000 LĐNT được học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện Xuân Trường, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 98 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 57% dân số; trong số đó 1.850 người có nhu cầu học nghề. Phần lớn lực lượng lao động của huyện tập trung ở khu vực nông thôn, lao động thủ công là chính, trình độ kỹ thuật hạn chế năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển. Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp chủ yếu để giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động và phát triển kinh tế, xã hội, huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho LĐNT. UBND huyện đã xây dựng, triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”; thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện, chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ quan, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phục vụ đắc lực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên phát các tin bài tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trực tiếp tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Các ngành chức năng, các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân và giới thiệu những nghề thị trường lao động đang cần nhiều… Hằng năm, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; theo số liệu tổng hợp, mỗi năm, toàn huyện có từ 1.700 đến 1.850 lao động có nhu cầu học nghề. Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của huyện, quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như khả năng, nhu cầu học nghề của người lao động, Phòng LĐ-TB và XH huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; trong đó ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và hộ cận nghèo, người khuyết tật và lao động ở các hộ thu hồi đất canh tác. Phòng LĐ-TB và XH, Phòng NN và PTNT huyện lựa chọn các đơn vị đào tạo nghề có đủ năng lực và các điều kiện dạy nghề theo quy định để thực hiện đào tạo nghề cho người lao động, tiêu biểu như: Trung tâm Dạy nghề Xuân Trường, Trường Trung cấp nghề số 8, Trung tâm Dạy nghề Thanh niên khu vực sông Hồng… Các cơ sở đào tạo nghề đều liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương như: Cty TNHH may Minh Nhung (xã Xuân Phú), Cty T&C (xã Thọ Nghiệp), Cty CP Đóng tàu Hoàng Vinh, Cty CP Đóng tàu Nguyễn Phúc… tổ chức lớp đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho người lao động không phải đi xa, có nhiều cơ hội thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề; vừa giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động có tay nghề, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đào tạo chất lượng, hiệu quả. Trong 2 năm (2015-2016), thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Xuân Trường đã tổ chức 33 lớp đào tạo nghề cho 1.096 LĐNT, trong đó có 11 lớp dạy nhóm nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn sinh sản, chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng cho 365 người; 22 lớp dạy nhóm nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, thêu ren, cơ khí hàn cho 731 người. Sau khóa học, các học viên học nghề nông nghiệp đã vận dụng kiến thức được học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Học viên học nghề phi nông nghiệp đều nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản, 100% học viên sau đào tạo được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, mỗi năm, các Trung tâm dạy nghề của huyện có quy mô đào tạo 1.500-1.700 người, với các ngành nghề: cơ khí hàn, may công nghiệp, điêu khắc gỗ, thêu ren, móc sợi, trồng nấm, chăm tỉa hoa cây cảnh… Ở các làng nghề, CCN địa phương, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề trực tiếp cho lao động. 
Cơ sở sản xuất túi xách thời trang xuất khẩu của anh Trần Quang Vinh, ở xóm 10, xã Xuân Trung tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 50 lao động.
Cơ sở sản xuất túi xách thời trang xuất khẩu của anh Trần Quang Vinh, ở xóm 10, xã Xuân Trung tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 50 lao động.
Cùng với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh qua các cơ chế chính sách phát triển CN-TTCN, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho LĐNT; chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, phát triển các mô hình kinh tế VAC... Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, giúp nhân dân giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống. Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cho nhiều người lao động của huyện có việc làm, nâng cao thu nhập. Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 44%, mỗi năm có trên 3.000 lao động có việc làm mới. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 92%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 5,1 (năm 2016) xuống còn 3,53%. 
 
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, thời gian tới, huyện Xuân Trường đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, tư vấn hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Thực hiện đúng chính sách ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho LĐNT và chuyển dịch cơ cấu LĐNT theo quy hoạch sản xuất của các địa phương. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động mỗi năm. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com