Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

06:01, 03/01/2017

Tháng 7-2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã xây dựng mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố khu vực tổ chức lễ hội chùa Cổ Lễ” tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… Thông qua việc kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa phương, người dân đã có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về ATTP, từ đó giúp ngành chức năng đưa việc chấp hành các quy định về ATTP vào nền nếp. Chủ các cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm và các đối tượng được tập huấn kiến thức ATTP. Thông qua việc tuyên truyền, tập huấn, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng trên địa bàn đã được nâng cao hiểu biết về pháp luật cũng như các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực ATTP để quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hành tốt ATTP. Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước (chính quyền địa phương, Chi cục ATVSTP, trung tâm y tế…) trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn được nâng lên, qua đó góp phần đảm bảo chất lượng ATTP, tạo dựng được lòng tin của người dân và du khách đến lễ hội.

Mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định.
Mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản
tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định.

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo; các ngành chức năng, các địa phương đã tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý ATTP tiên tiến như: 3 mô hình điểm về ATTP thức ăn đường phố; 2 mô hình điểm về làng nghề; 5 mô hình điểm về ATTP lễ hội và một số mô hình trồng rau an toàn, mô hình nuôi ngao sạch, mô hình chế biến thực phẩm được áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến (GMP, GHP, HACCP)… nhằm tạo ra sự “chuẩn hóa” các bước, các hoạt động, các nội dung để đảm bảo ATTP cho các lĩnh vực tương ứng. Trong quá trình triển khai hoạt động các mô hình, các ngành chức năng đã hướng dẫn các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo VSATTP, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; ưu tiên cung cấp các tài liệu truyền thông; tổ chức cho 100% đối tượng tham gia mô hình trên địa bàn về các quy định, các kiến thức thực hành về ATTP, triển khai công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện xét nghiệm nhanh, miễn phí tại các cơ sở kinh doanh; thực hiện điều tra thái độ, kiến thức, thực hành cho các đối tượng nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình; tổ chức hội thảo để bàn bạc, tìm giải pháp cải thiện mô hình ATTP phù hợp với đối tượng, địa phương. Trong đó, kết quả nổi bật là vấn đề ATTP đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề nhằm phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật kiến thức về công tác bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về VSATTP. Qua điều tra của Chi cục ATVSTP tỉnh, nhận thức của người sản xuất thực phẩm hiểu biết về ATTP đã được nâng lên từ 66,7% (năm 2011) lên 83,3%; nhận thức của người kinh doanh từ 68% (năm 2011) nâng lên 85%; người tiêu dùng từ 67% (năm 2011) nâng lên 83,8%... Từ hiểu biết đúng về ATTP đã nâng cao tỷ lệ thực hành đúng về ATTP của người sản xuất thực phẩm lên 69,5% (năm 2011 là 55,6%), tăng 13,9% so với năm 2011; của người kinh doanh thực phẩm lên 69,2% (năm 2011 là 55,4%), tăng 13,8%. Có được kết quả đó, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi ATTP được đẩy mạnh. Trong 5 năm, tỉnh và các ngành tham gia quản lý Nhà nước về ATTP đã phối hợp viết 361 bài tuyên truyền trên Báo Nam Định và trên bản tin của ngành Y tế; phối hợp Đài PT-TH tỉnh phát 158 buổi tuyên truyền; phát 19.982 lượt bài tuyên truyền về công tác ATTP trên đài phát thanh của tỉnh, của huyện; xây dựng 6.485 băng rôn, khẩu hiệu, 15.541 tranh áp phích, 255.700 tờ gấp, 1.512 băng đĩa… có nội dung về bảo đảm ATTP trong các dịp cao điểm như lễ hội, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu… Ngoài ra chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở còn tổ chức 1.828 buổi giao lưu, các lớp giáo dục truyền thông nói chuyện chuyên đề về ATTP với tổng số 35.183 người tham dự.

Trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP, 5 năm qua các ngành chức năng đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh ban hành gần 70 văn bản về công tác chỉ đạo ATTP; các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương đã ban hành 103 văn bản chỉ đạo theo thẩm quyền; UBND các huyện, thành phố ban hành 357 văn bản chỉ đạo công tác ATTP trên địa bàn. Các văn bản chỉ đạo về ATTP tập trung vào các lĩnh vực: phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về ATTP; công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác đảm bảo ATTP; chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong các đợt cao điểm, các đợt dịch bệnh liên quan đến vấn đề ATTP; các chính sách của tỉnh về công tác đảm bảo ATTP... công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể doanh nghiệp khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trường học. Để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, 3 ngành: Y tế, NN và PTNT, Công thương đã xây dựng được hệ thống thanh tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra định kỳ, hậu kiểm về ATTP để đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong 5 năm, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra về ATTP là 40.750 lượt cơ sở; trong đó có 30.548 cơ sở đạt (chiếm 75%), 10.202 cơ sở không đạt (chiếm 25%); đã xử lý 3.967 cơ sở, trong đó phạt 287 cơ sở với số tiền 877 triệu 196 nghìn đồng, 231 cơ sở bị hủy sản phẩm, 137 loại sản phẩm không đảm bảo ATTP bị tiêu hủy, 21 cơ sở bị đóng cửa, 9 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm. Trong công tác giám sát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong 5 năm đã giám sát được 2.199 mẫu thực phẩm có nguy cơ cao; trong đó số mẫu đạt chiếm tỷ lệ 80,1%, số mẫu không đạt chiếm 19,9%. Bên cạnh đó ngành Y tế còn tổ chức giám sát phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội lớn của tỉnh; giám sát ATTP các lễ hội; giám sát, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm, các sự cố về ATTP. Nếu như giai đoạn 10 năm trước (2000-2010), trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 8,4 vụ ngộ độc thực phẩm với 254 người mắc thì những năm gần đây, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm xuống còn 3 vụ/năm với 64 người mắc, không có tử vong. Thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, các ngành chức năng cũng chú trọng nâng cao năng lực trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ cho công tác quản lý ATTP. Tại tuyến tỉnh đã xây dựng được 1 Phòng Kiểm nghiệm đạt chuẩn đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ngoài ra một số phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm tỉnh, Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, khoa Xét nghiệm thuộc Chi cục ATVSTP tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng tham gia thực hiện công tác xét nghiệm nhanh, xét nghiệm hỗ trợ cho công tác quản lý ATTP.

Thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành, các tuyến phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm trong việc thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về vấn đề ATTP trong tình hình mới”; tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các tuyến và trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác bảo đảm ATTP. Thường xuyên tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức về ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật cho chủ các doanh nghiệp để họ nắm rõ các quy định về ATTP, từ đó tăng cường trách nhiệm. Đầu tư hơn nữa cho công tác ATTP, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, công tác kiểm nghiệm, kinh phí hoạt động, kinh phí cho mạng lưới cộng tác viên ATTP tuyến cơ sở; nhân rộng các mô hình điểm về quản lý ATTP./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com