Phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão

08:08, 15/08/2016
Vào mùa mưa bão, tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra; môi trường bị ô nhiễm, các loại vi-rút, vi khuẩn phát triển mạnh. Đặc biệt nước từ các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, nước thải từ các KCN mang nhiều mầm bệnh… là nguyên nhân của một số bệnh da liễu như nước ăn chân, mẩn ngứa, viêm da… và các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn và một số bệnh như đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp... Trước thực trạng đó, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão. 
 
Tại huyện Hải Hậu, trước mùa mưa bão năm nay, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tập huấn cho mạng lưới y tế cơ sở về các biện pháp phòng chống dịch mùa bão lụt, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống dịch thường gặp như: rối loạn tiêu hóa, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết… Trung tâm cũng hướng dẫn trạm y tế các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thu gom phế thải, phân loại xử lý rác thải; phối hợp tổ chức giám sát véc-tơ truyền bệnh khi xảy ra bão lụt. Vào thời điểm sau mưa bão, các xã, thị trấn tự tổ chức kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn, đoàn liên ngành VSATTP huyện tổ chức kiểm tra tại một số xã trọng điểm kết hợp tăng cường tuyên truyền cho người dân ăn chín, uống sôi đề phòng ngộ độc thực phẩm (NĐTP)… Trung tâm xây dựng kế hoạch phân phối Cloramin B cho 35 trạm y tế xã, thị trấn, mỗi đơn vị có lượng dự trữ từ 5 đến 7kg; tập huấn cách pha dung dịch Cloramin với nồng độ 0,125%; 0,25%; 0,5% và 1,25%, để sẵn sàng triển khai xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vô khuẩn. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh huyện cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh các xã, thị trấn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp với ngành Y tế tham gia công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; lập kế hoạch triển khai chiến dịch thu gom, phân loại, xử lý rác thải, phế thải tại địa phương... Mạng lưới y tế thôn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch mùa mưa bão, biết cách bảo vệ, xử lý nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cách xử lý bể nước mưa, giếng khoan, giếng khơi khi bị ngập lụt; biết cách bảo vệ, xử lý nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phối hợp với các trường THCS vận động giáo viên, học sinh tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy tại cộng đồng, các hộ gia đình... Tại huyện Nam Trực, trước mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn triển khai các bước phòng, chống không để dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường giám sát dịch tễ, bệnh nhân; triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị nhằm kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Tại Trung tâm Y tế huyện đã thành lập 2 đội cấp cứu lưu động; các trạm y tế xã, thị trấn đều thành lập đội cấp cứu lưu động, phân công cán bộ trực dịch 24/24h; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch. Khi có bão xảy ra, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác ATTP; cử cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo công tác vệ sinh phòng dịch bệnh; duy trì lực lượng y tế tăng cường thường trực tại các địa phương cho đến khi ổn định tình hình. Sau mưa bão Trung tâm tiếp tục thanh tra, kiểm tra về ATTP, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước và ngay tại hộ gia đình, chủ động xử lý triệt để khi có NĐTP, xử lý ổ dịch phát sinh sau bão, không để dịch bệnh lan rộng. Tại huyện Vụ Bản, Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử trùng để xử lý các vùng ô nhiễm và xử lý nước khi cần thiết; chuẩn bị máy phun và hóa chất diệt côn trùng đủ cơ số khi dịch bệnh xảy ra; phân công cán bộ xuống các trạm y tế để phối hợp can thiệp đảm bảo ATTP và phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP sau bão...
Cán bộ Trạm Y tế xã Hải Nam (Hải Hậu) tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hải Nam (Hải Hậu) tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình mưa bão năm nay sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát diễn biến của thời tiết để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh thông qua các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo ATTP sau mỗi đợt mưa bão. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ và cung cấp hóa chất, trang thiết bị, thuốc phun côn trùng cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phát cho các địa phương để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh ngay sau bão. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, mỗi đơn vị chuẩn bị 10 cơ số thuốc và 3 túi cấp cứu lưu động; các trung tâm y tế huyện, thành phố chuẩn bị cơ số thuốc và hóa chất; các trạm y tế xã, phường, thị trấn, mỗi trạm chuẩn bị 1 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh và cấp cứu trong mùa mưa bão. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thành lập 2 đội cơ động phòng chống dịch và xử lý môi trường, mỗi trung tâm y tế tuyến huyện thành lập 1 đội phòng chống dịch và xử lý môi trường. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, trạm y tế các địa phương phát Cloramin B, tuyên truyền và hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước, sử dụng vôi bột cùng các hóa chất để xử lý xác động vật để tránh phát sinh các dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm. Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hạn chế tình trạng NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cán bộ y tế và cán bộ các khu dân cư tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho nhân dân, chủ động xử lý khi có sự cố NĐTP, không để lây lan rộng trong cộng đồng.
 
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo ATTP, Sở Y tế khuyến cáo người dân vùng bị ngập nước cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Khi phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị; đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, dập dịch. Ngành Y tế cũng khuyến cáo, các bệnh thường gặp sau mưa bão là bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da do nước bẩn và đặc biệt là bệnh đường ruột. Để phòng bệnh đường ruột, người dân cần thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi để nguội; uống hoặc tiêm vắc-xin phòng tiêu chảy khi có chỉ định. Để phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân không lau rửa mặt bằng nước không hợp vệ sinh, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ rửa mặt; tra thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ cho tất cả những người có nguy cơ. Để phòng các bệnh ngoài da, không tắm gội và giặt quần áo bằng nước không hợp vệ sinh, không mặc quần áo khi còn ẩm… Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nguồn nước phải được xử lý vệ sinh sạch sẽ. Sau mưa bão, phải tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, lau rửa bể nước, đồ dùng đựng nước; khơi thông cống rãnh, san lấp các vũng nước đọng, thu gom rác, cây cối, xác động vật để chôn lấp kỹ. Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com