Khẩn trương khắc phục sớm các "điểm đen" về tai nạn giao thông

03:08, 13/08/2016
Trước thực trạng hệ thống đường giao thông trong quá trình khai thác luôn phát sinh nguy cơ mất an toàn, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực xác định và tìm biện pháp khắc phục các “điểm đen” về TNGT, góp phần đảm bảo ATGT trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục, cải tạo các “điểm đen” về giao thông mới chỉ giải quyết được một số điểm nguy hiểm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện trên địa bàn tỉnh.
 
Theo phản ánh của ngành chức năng, các địa phương, thời gian gần đây, tại các huyện, thành phố phát sinh nhiều “điểm đen”, mất ATGT, cần khẩn trương khắc phục, xử lý. Tại huyện Nghĩa Hưng, sau khi Quốc lộ 37B nâng cấp từ năm 2011 đến nay, ngã tư giao cắt Quốc lộ 37B với Thị trấn Liễu Đề do không có hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông, không có gờ giảm tốc dẫn đến tình trạng người tham gia giao thông qua đây thiếu tập trung quan sát, đã xảy ra 7 vụ TNGT. Tại huyện Hải Hậu, gần đây các tuyến đê sử dụng nhiều trong giao thông nhưng do không được đầu tư hệ thống tín hiệu, biển báo gây nhiều vụ va chạm, TNGT tăng ở các tuyến đường đê; trong đó, địa phương đã xác định đoạn Quốc lộ 21 gần Nhà máy Đóng tàu Thịnh Long là “điểm đen” do xảy ra rất nhiều vụ TNGT. Tại huyện Xuân Trường, do diện tích đảo giao thông và vỉa hè khu vực ngã ba Lạc Quần (nơi giao nhau giữa Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 489C) được thiết kế quá rộng, trong khi phần đường dành cho người và phương tiện tham gia giao thông hẹp; tại đây lại không có đèn chiếu sáng về ban đêm rất tối nên người tham gia giao thông khó quan sát và nhận biết phần đường dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNGT, trong đó có nhiều vụ TNGT gây chết người. Tại huyện Mỹ Lộc, do hệ thống báo hiệu tại cầu Tân Đệ không đúng quy chuẩn, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 4 vụ TNGT, chủ yếu vào ban đêm, trong đó có cả xe con và xe khách chở đông người gặp tai nạn. Tại nút giao BigC (TP Nam Định) trên Quốc lộ 10, lái xe phải chấp hành cả 2 loại tín hiệu giao thông là vòng xuyến và đèn; trong khi vòng xuyến quá lớn, nhiều khi chưa đi thoát vòng xuyến thì đèn đã chuyển hướng gây xung đột giao thông hai luồng xe. Trong 6 tháng đầu năm 2016 tại nút giao BigC đã xảy ra 3 vụ TNGT; trong đó có cả vụ TNGT đổ xe công-ten-nơ. Đặc biệt, theo tổng hợp của Sở GTVT trên tuyến Quốc lộ 37B hiện nay tồn tại 4 vị trí “điểm đen” TNGT và tiềm ẩn TNGT, trong 1 năm qua mỗi điểm đều xảy ra từ 2-4 vụ TNGT làm 2 người chết trở lên, bao gồm: km43+200 ngã tư cầu Diêm (Giao Thủy) do lưu lượng tham gia giao thông lớn, hạn chế tầm nhìn; km55+050 Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) do nằm ở vị trí ngã ba, tầm nhìn hạn chế; km75+966 Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) do nằm ở vị trí ngã tư, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, tầm nhìn hạn chế; km76+203 Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) do nằm ở vị trí ngã ba, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, tầm nhìn hạn chế.
Ngành chức năng xác định nút giao BigC (TP Nam Định) là điểm đen, xảy ra nhiều vụ TNGT vì lái xe phải chịu áp lực của 2 loại tín hiệu giao thông là vòng xuyến và đèn.
Ngành chức năng xác định nút giao BigC (TP Nam Định) là điểm đen, xảy ra nhiều vụ TNGT vì lái xe phải chịu áp lực của 2 loại tín hiệu giao thông là vòng xuyến và đèn.
Để đảm bảo ATGT, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp tập trung xử lý các “điểm đen” như: tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, tiến hành giải tỏa hành lang vi phạm ATGT, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến trọng điểm, ban hành quy định về cấm dừng, đỗ phương tiện bốc dỡ nguyên vật liệu đối với các cơ sở kinh doanh hai bên đường. Công an tỉnh, Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng xe quá khổ quá tải trọng và đã có nhiều kết quả khả quan. Ban ATGT tỉnh giao cho Ban ATGT các địa phương chịu trách nhiệm quản lý vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn mình phụ trách; đồng thời kiến nghị với Sở GTVT có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam lắp đặt thêm hệ thống biển báo, biển cảnh báo ATGT trên tuyến đường và đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều phức tạp về ATGT. Tuy nhiên, theo Sở GTVT “Một vị trí được coi là “điểm đen” TNGT là đoạn đường chiều dài xác định, trong 1 năm xảy ra bình quân 2 vụ tai nạn nghiêm trọng trở lên hoặc 3 vụ, trong đó có 1 vụ nghiêm trọng hay 5 vụ trở lên (trong đó có 1 người bị thương) và đang tiếp tục có những yếu tố tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn cao. Vì vậy, nếu cứ đợi TNGT xảy ra đủ tiêu chí thì mới xác định đó là “điểm đen” và thực hiện các phương án khắc phục thì hậu quả để lại đã quá lớn. Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê trên địa bàn những vị trí dễ xảy ra tai nạn, những điểm giao cắt nguy hiểm cần xử lý ngay. Đồng thời phải xác định việc khắc phục các “điểm đen” cần những giải pháp lâu dài và sự chung sức phối hợp của tất cả các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương nơi có các tuyến đường đi qua. Tiếp tục bố trí kinh phí để khắc phục, cải tạo các điểm đấu nối, các vị trí cần phải cắm biển hạn chế tải trọng, làm gờ giảm tốc từ các đường địa phương ra đường ưu tiên, đặc biệt là cắm biển báo hạn chế tốc độ ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Bên cạnh việc đầu tư, cải tạo, khắc phục bất cập của hệ thống cơ sở hạ tầng, Sở GTVT còn yêu cầu các địa phương chủ động kiểm soát, hạn chế phát sinh bất cập ngay từ khâu thiết kế, xây dựng mạng lưới giao thông theo từng khu vực, từng đô thị gắn với tổ chức mạng lưới giao thông toàn tỉnh và trong cả nước. Trước khi cấp phép thi công điểm đấu nối phải rà soát kỹ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đối chiếu các nội dung của văn bản chấp thuận cho đấu nối, văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật, tiêu chuẩn thiết kế và các quy định hiện hành rồi mới xem xét cấp phép thi công. Tăng cường giám sát thi công tại điểm đấu nối, kiểm tra hiện trường, nếu không bảo đảm theo thiết kế kỹ thuật và tổ chức giao thông được chấp thuận, kiên quyết yêu cầu chủ công trình sửa chữa, bổ sung bảo đảm yêu cầu. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp đấu nối trái phép, kiên quyết xử lý đóng ngay các điểm đấu nối trái phép đường địa phương vào quốc lộ. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời xử lý các bất cập về tổ chức giao thông; rà soát hệ thống biển báo đường bộ để phù hợp với thực tế, đúng quy định theo hướng dễ nhìn, dễ hiểu và dễ chấp hành; kịp thời khắc phục sửa chữa, bổ sung ngay các công trình ATGT bị hư hỏng đột xuất./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com