Phát huy quyền làm chủ của người lao động trong các doanh nghiệp

07:05, 26/05/2016

Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc và đồng bộ. Đây là cơ sở quan trọng góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Sản xuất tại Cty CP Lâm sản Nam Định. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Sản xuất tại Cty CP Lâm sản Nam Định. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Tỉnh ta hiện có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 344 doanh nghiệp có tổ chức Đảng; 445 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt QCDC, các cơ quan chức năng như LĐLĐ, Sở LĐ-TB và XH, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 354 đồng chí là cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở, chủ tịch công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp và gần 1.000 đồng chí là lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, đồng thời làm tốt công tác giám sát QCDC tại nơi làm việc. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai các bước thực hiện QCDC tại đơn vị một cách nghiêm túc, hiệu quả. Nét nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua trong các doanh nghiệp là quán triệt, triển khai sâu rộng các văn bản liên quan đến đời sống người lao động, quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện công khai phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động; xây dựng và ban hành quy chế đối thoại, các quy chế về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhờ vậy đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tại khối các doanh nghiệp Nhà nước, cấp uỷ Đảng, lãnh đạo doanh nghiệp đã xây dựng quy chế hoạt động và thực hiện dân chủ trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm công khai khi xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về kế hoạch đầu tư sản xuất; quy chế tuyển dụng lao động, cho thôi việc, nghỉ việc, định mức lao động, khen thưởng, kỷ luật, công khai tài chính; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, phòng, ban trực thuộc và những chính sách của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động... Việc công khai được thực hiện dưới các hình thức như: thông báo bằng văn bản, qua các cuộc họp giao ban tháng, quý, qua hội nghị người lao động và qua phản ánh trực tiếp. Đảng uỷ, Ban giám đốc các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc các quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, lựa chọn đề bạt cán bộ chủ chốt theo quy định và trực tiếp đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của công nhân lao động. Đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, Ban Thanh tra nhân dân đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên, người lao động nhận thức đầy đủ hơn về mục đích ý nghĩa của QCDC trong doanh nghiệp và tự giác thực hiện. Thông qua triển khai thực hiện QCDC, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp được phát huy quyền làm chủ của người lao động được tôn trọng, tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo trong cán bộ, công nhân, viên chức lao động, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiêu biểu như Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy... Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, QCDC được thực hiện thông qua Quy chế phối hợp giữa cấp uỷ Đảng với hội đồng quản trị và các đoàn thể. Hằng năm, chủ doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, tạo diễn đàn dân chủ trong công nhân lao động. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ 8 nội dung người quản lý doanh nghiệp phải công khai cho người lao động biết; 6 nội dung người lao động được tham gia ý kiến; 6 nội dung người lao động quyết định và 8 nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát. Hội đồng quản trị, Ban giám đốc các doanh nghiệp luôn tạo điều kiện để công nhân lao động thực hiện quyền giám sát; tham gia hội đồng khen thưởng, kỷ luật, hội đồng xét nâng bậc lương, tham gia xây dựng các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; phản ánh băn khoăn vướng mắc thông qua hòm thư góp ý, tại các buổi sinh hoạt, đối thoại hoặc gọi điện trực tiếp thông qua đường dây nóng của Ban giám đốc. Tiêu biểu như Cty CP May Nam Hà, Cty TNHH Youngone, Cty CP Nam Dược...

Việc thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt cơ chế điều hành sản xuất, kinh doanh, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, chấn chỉnh kịp thời lề lối, tác phong làm việc trì trệ, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tăng cường đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được khó khăn, vươn lên làm ăn có lãi, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, đời sống, điều kiện làm việc của người lao động từng bước được cải thiện. Trong năm 2015, đã có 74,39% doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động; 69,27% doanh nghiệp tổ chức thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể; 79,55% doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương; có 84% doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại tại nơi làm việc, 62,65% doanh nghiệp thành lập tổ đối thoại, 92 doanh nghiệp tổ chức 149 cuộc đối thoại với người lao động tại nơi làm việc theo đúng tinh thần Nghị định số 60/2013/NĐ-CP. Tại Cty CP May Nam Hà, việc thực hiện QCDC luôn được Đảng uỷ, Ban giám đốc Cty tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như: Tham gia hội đồng thi đua, khen thưởng, hội đồng xét nâng bậc lương, ban soạn thảo quy chế, quy định... Mọi băn khoăn vướng mắc của người lao động được phản ánh thông qua hộp thư góp ý, tại các buổi sinh hoạt, đối thoại và gọi điện trực tiếp thông qua đường dây nóng của giám đốc. Đảng uỷ đã chỉ đạo UBKT Đảng uỷ, UBKT công đoàn Cty thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra. Các vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều được giải quyết đúng nguyên tắc, thông qua đó, ý kiến của cán bộ, công nhân lao động được giải quyết kịp thời. Nhiều năm qua, Cty không có đơn thư tố cáo hay khiếu kiện vượt cấp. Từ năm 2010 đến nay, giá trị sản xuất của Cty liên tục tăng trưởng trung bình 218%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 290%.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện QCDC ở các doanh nghiệp cũng còn một số hạn chế tồn tại như: tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc còn thấp; chất lượng xây dựng và thực hiện QCDC chưa cao, một số doanh nghiệp thực hiện còn hình thức và lồng ghép vào các nội dung sinh hoạt khác của đơn vị. Mặt khác, người lao động khi tham gia đối thoại, hội nghị người lao động đa phần chỉ quan tâm đề xuất quyền lợi cho mình mà chưa đóng góp giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Tình hình đời sống, việc làm của công nhân viên, người lao động ở một số nơi còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Việc lấy ý kiến đóng góp của người lao động đối với các hoạt động của doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục quan tâm tổ chức các hoạt động đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động nhằm xây dựng sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp. Tăng cường lãnh đạo tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện QCDC theo quy định; động viên cán bộ, đoàn viên, người lao động tích cực tham gia đóng góp xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, tạo sự gắn kết vì sự phát triển hài hòa, bền vững của doanh nghiệp./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com