Công tác hòa giải ở Nghĩa Hưng

08:05, 23/05/2016
Thời gian qua, công tác hòa giải ở Nghĩa Hưng đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả: Các tổ hòa giải đã được củng cố kiện toàn, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp góp phần giữ vững an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư, vun đắp tình làng nghĩa xóm, từng bước hình thành ý thức sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật trong nhân dân. 
Làng quê xã Nghĩa Thái đổi mới.
Làng quê xã Nghĩa Thái đổi mới.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện có 339 tổ hòa giải với 2.219 hòa giải viên. Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, hằng năm, UBND huyện Nghĩa Hưng tiến hành kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Theo đó, mỗi khu dân cư có ít nhất 1 đến 2  tổ hòa giải; mỗi tổ có từ 5 đến 7 hòa giải viên là đại diện của cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội của khu dân cư như trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, HND…  Đây là những người có uy tín, có kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân và tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc kiện toàn tổ hòa giải, huyện cũng đã làm tốt công tác xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, đánh giá về tổ chức hoạt động của tổ hòa giải; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, hòa giải viên về các lĩnh vực như: Luật Hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, khiếu nại - tố cáo, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật hòa giải ở cơ sở… Chủ động nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở thông qua việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ này. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo những khó khăn vướng mắc phát sinh từ cơ sở, đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể, UBND cấp xã, thị trấn tổ chức phổ biến, giáo dục Luật Hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị sách pháp luật, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của nhân dân ở cơ sở, trong đó có đội ngũ hoà giải viên. Từ năm 2015 đến nay, huyện và các xã, thị trấn đã mua và trang bị cho các tủ sách pháp luật  trên 1.000 cuốn sách, trong đó có 300 cuốn sách pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải cơ sở. Với sự đầu tư đồng bộ, đến nay, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân cơ bản được giải quyết kịp thời, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Xã Nghĩa Sơn là địa phương có các tổ hòa cơ sở hoạt động hiệu quả của huyện Nghĩa Hưng. Đồng chí Đỗ Minh Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã hiện có 28 tổ hòa giải ở 28 xóm với gần 200 thành viên. Tham gia công tác ở tổ hòa giải hầu hết là các cán bộ có kinh nghiệm, có quá trình công tác và có trách nhiệm đối với công việc. Với việc làm tốt các bước trong công tác hòa giải nên trong những năm qua, xã đã hạn chế tối đa đơn thư khiếu nại, tố cáo. Từ đầu năm đến nay, xã chưa tiếp nhận vụ việc nào; không có trường hợp đơn thư khiếu kiện, khiếu nại đông người hoặc vượt cấp”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải xóm 2, thôn Quần Liêu cho biết: “Với mục đích không để xảy ra mâu thuẫn kéo dài dẫn đến cãi vã, xung đột nên khi nhận được đơn hoặc biết được thông tin từ cơ sở, thành viên tổ hòa giải xóm nhanh chóng đến nơi xảy ra sự việc để nắm tình hình và tiến hành vận động, phân tích thuyết phục cho các đương sự liên quan hiểu ra vấn đề, từ đó có phương án giải quyết ổn thỏa. Nhiều vụ việc nếu như không được nắm bắt và giải quyết kịp thời sẽ xảy ra mâu thuẫn lớn. Mới đây nhất, trên địa bàn thôn xảy ra vụ mâu thuẫn giữa gia đình các ông Nguyễn Văn H, Bùi Văn L, Bùi Xuân H với nhân dân trong xóm. Nguyên nhân do các hộ gia đình trên làm nghề sản xuất miến dong, xả nước thải chưa được xử lý vào đường cống của xóm gây nên mùi hôi thối, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nắm được sự việc trên, tổ hòa giải của xóm đã đến từng hộ dân làm miến thuyết phục, giải thích những tác hại của việc xả thải đối với đời sống cộng đồng; đồng thời đề nghị các hộ làm miến có biện pháp khắc phục. Sau khi được tuyên truyền giải thích, các hộ làm miến đã hiểu rõ việc làm thiếu trách nhiệm của mình và áp dụng các biện pháp xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, nhiều năm qua, xóm không xảy vụ việc phức tạp nào và liên tục được công nhận đạt danh hiệu Làng văn hóa. Cùng với việc phát huy vai trò của các tổ hòa giải, huyện Nghĩa Hưng còn tích cực lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Phòng Tư pháp đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nam Định cùng với Chi nhánh trợ giúp pháp lý huyện; Hội CCB; Hội LHPN huyện và các xã, thị trấn tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 23 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tiếp nhận và tư vấn 151 đơn đề nghị. Sau khi được trợ giúp pháp lý, người dân đã giải toả được những vướng mắc pháp luật và giảm bớt những mâu thuẫn, khiếu kiện trong cộng đồng dân cư. 
 
Với những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần xử lý kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 270 vụ việc (trong đó quan hệ dân sự 71, hôn nhân gia đình 73, mâu thuẫn xích mích khác 126). Kết quả đã hòa giải thành 201 vụ đạt 74,4%, số vụ việc còn lại đang tiếp tục được giải quyết. Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện chỉ đạo cấp ủy Đảng và UBND các xã, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; rà soát đội ngũ cán bộ, củng cố tổ chức và tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên; định kỳ hằng năm chỉ đạo sơ, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; trong đó, chú trọng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt của các CLB nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặt biệt là của người dân về vị trí vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải, xây dựng ý thức “Sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển./.
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com