Thí điểm mô hình trường học mới ở bậc trung học cơ sở

07:03, 26/03/2016
Năm học 2015-2016, Bộ GD và ĐT tiếp tục triển khai mô hình trường học mới tại nhiều trường THCS trên cả nước. Ở tỉnh ta, có 21 trường THCS được chọn thí điểm mô hình ở khối lớp 6. Theo Bộ GD và ĐT, mô hình này hướng học sinh phát triển toàn diện, tự rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế, chuyển từ cách dạy đọc - chép sang phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh theo nhóm. Giáo viên thay vì giảng dạy, truyền thụ kiến thức thì chỉ hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh...
 
Mô hình trường học mới, về cơ bản nội dung giảng dạy không thay đổi, chỉ sắp xếp lại cho phù hợp với cách dạy mới. Điểm mới là có 2 môn học tích hợp là: Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học và môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử và Địa lý. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) cho biết: Nhà trường là một trong 4 trường THCS trên địa bàn huyện được chọn triển khai thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS. Nhà trường có thuận lợi do học sinh khi vào học tại trường đã được chọn lựa từ các xã, thị trấn qua công tác tuyển sinh theo Đề án xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao của tỉnh. Ngoài việc có học lực tốt, trong các hoạt động các em luôn có sự chủ động, sáng tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của trường đều là giáo viên dạy giỏi, được chọn lựa trong toàn huyện, nhiều người là giáo viên cốt cán đã được tham gia tập huấn thí điểm mô hình của phòng, Sở GD và ĐT tổ chức. Nhà trường đã chọn một lớp 6 với 39 học sinh tham gia thí điểm chương trình. Để mô hình triển khai hiệu quả, trước năm học mới nhà trường đã thông báo rộng rãi tới các bậc phụ huynh để nắm bắt, hiểu rõ ý nghĩa của mô hình. Ban đầu tuy có gặp một số khó khăn nhưng đến nay nhà trường đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh còn tham gia trang trí lớp học theo đúng tiêu chí của mô hình. Qua thời gian triển khai, chúng tôi nhận thấy đây là mô hình mới, hay, tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện, phát huy sự tương tác giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên. 
Học sinh Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) trong giờ học theo mô hình thí điểm trường học mới.
Học sinh Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) trong giờ học theo mô hình thí điểm trường học mới.
So với mô hình trường học hiện hành, mô hình trường học mới cấp THCS có một số điểm khác biệt như: Hoạt động học của học sinh là trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh được khuyến khích, tạo cơ hội tham gia các hoạt động học tập, nhất là hoạt động theo nhóm và tự học. Tài liệu hướng dẫn học tập được thiết kế cho học sinh hoạt động, học nhóm, tự học; dùng chung cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Với mô hình này, giáo viên duy trì một môi trường học tập cởi mở, thân thiện, đóng vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong tiếp thu kiến thức của học sinh. Mô hình cũng coi trọng việc học sinh tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá của phụ huynh. Mỗi lớp thành lập hội đồng tự quản học sinh gồm: Chủ tịch hội đồng quản trị; các phó chủ tịch; các ban học tập, đối ngoại, thư viện, văn nghệ - thể dục thể thao, quyền lợi học sinh, vệ sinh môi trường. Ngay từ đầu năm học, để bầu hội đồng tự quản học sinh, các lớp lập danh sách ứng cử (học sinh tự nguyện đăng ký) và danh sách đề cử (được các học sinh khác tín nhiệm giới thiệu). Các ứng viên tham gia ứng cử có thời gian chuẩn bị phần tranh cử của mình. Đây là một hoạt động nhằm tạo cho học sinh thấy được sự dân chủ, công bằng, bình đẳng, học cách thuyết trình trước đám đông. Các em có thể nhờ tới sự tư vấn, hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh trong việc chuẩn bị bài tranh cử gồm một số nội dung như: Giới thiệu về bản thân; mong muốn của em về lớp học, những việc sẽ làm nếu được bầu… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nội dung chương trình, nhiều giáo viên cho rằng, mô hình trường học mới, trách nhiệm dồn lên vai giáo viên, đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo, đổi mới cách dạy. Cụ thể như bộ môn Văn không có phần bài tập làm văn, trong khi học sinh đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, hoặc lên cấp cao hơn có thể được tham gia thi cấp quốc gia, thi tuyển sinh vào lớp 10, phần tập làm văn chiếm đến 70% tổng số điểm. Bên cạnh đó, do chưa có điều kiện thực hiện thí điểm trong toàn tỉnh, hay như nhiều trường chỉ chọn một lớp trong khối lớp 6, học thí điểm theo chương trình mới trong khi các lớp khác vẫn học chương trình cũ nhưng khi thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vào lớp 10 lại chưa có quy định riêng. Mô hình mới cũng không đánh giá, xếp loại học sinh trong khi các lớp khác vẫn đánh giá, xếp loại nên nhiều học sinh và phụ huynh còn lo lắng. Mặt khác, có giáo viên lên lớp vừa soạn giáo án theo kiểu cũ, vừa phải chuẩn bị nội dung cho mô hình mới, mất nhiều thời gian. Trong khi dạy mô hình mới này, giáo viên phải thực sự giỏi và năng động, là người biết tổ chức mà không phải giáo viên nào cũng làm tốt vai trò tổ chức của mình.
 
Là năm học đầu tiên thí điểm, chắc chắn các trường tham gia mô hình trường học mới cấp THCS không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Để mô hình đạt hiệu quả cao, các trường cần sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh, học sinh. Được biết, trong quá trình tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện, thử nghiệm xây dựng trường học mới ở bậc THCS, Bộ, Sở GD và ĐT, các dự án, chuyên gia, nhà trường sẽ “vào cuộc” đồng bộ, cùng nhau xây dựng nội dung, tháo gỡ những khó khăn để chuyển dần hoạt động phục vụ cho mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com