Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22-3): Bảo vệ tài nguyên nước vì sinh kế của người dân

09:03, 22/03/2016
Ngày Nước thế giới (22-3) hằng năm là sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách nhằm quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước ngọt. Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2016 là “Nước và việc làm” nhằm tập trung vào vai trò của nước đối với việc làm cũng như sinh kế của người dân. Tại tỉnh ta, việc thực hiện các hành động thiết thực bảo vệ tài nguyên nước, hướng đến bảo vệ, phát triển các công việc cũng như sinh kế của người dân đã được các ngành chức năng, các địa phương tập trung quản lý, triển khai từ nhiều năm nay. 
Người dân xã Bạch Long (Giao Thủy) sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong nuôi thủy sản.
Người dân xã Bạch Long (Giao Thủy) sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong nuôi thủy sản.
Đến nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chú ý sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước trong quá trình sản xuất và tạo việc làm cho người dân. Hằng năm, các Cty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch củng cố tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất và PCLB, không để tình trạng úng, hạn lớn xảy ra. Tổ chức lấy nước theo đúng kế hoạch, thực hiện tốt quy trình vận hành hệ thống, điều tiết nước hợp lý và tạo đủ nguồn cho các vùng khó khăn. Mới đây một số huyện đã thực hiện giao khoán quản lý hệ thống kênh mương của địa phương đảm bảo kênh mương luôn thông thoáng, kịp thời phục vụ công tác tưới tiêu đáp ứng yêu cầu trồng trọt, nuôi thủy sản, góp phần tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, các Cty KTCTTL chú trọng thực hiện hiệu quả công tác ngăn chặn, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm cản trở dòng chảy và giải quyết, xử lý các vi phạm hành lang công trình thủy lợi, gắn với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nguồn nước. Trong sản xuất công nghiệp, các nhà máy sử dụng lượng nước lớn đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, trong đó có chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn, vừa tiết kiệm lượng nước sạch đầu vào vừa giảm thiểu lượng nước thải ra gây ô nhiễm. Việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn và tái sử dụng vào các mục đích phù hợp khác đã giảm được lượng nước cấp và giảm phí BVMT đối với nước thải công nghiệp phải nộp. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã áp dụng quy chuẩn sản xuất sạch hơn VietGAP với các phương pháp tưới phun, tưới dạng màn sương vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng; không làm ô nhiễm nguồn nước sông; không dùng phân tươi, nước thải ô nhiễm để bón cho rau xanh, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Khi hiệu quả sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ngày càng tăng trưởng, cho giá trị ngày công lao động lớn đã ngày càng thu hút thêm nhiều người dân tham gia lao động. Nhờ sự chung sức, vào cuộc thực hiện các chương trình, hoạt động tiết kiệm nước của các cấp, ngành, địa phương nên đến thời điểm hiện nay, tài nguyên nước của tỉnh đã từng bước được khai thác, sử dụng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng bảo vệ, dự trữ nguồn nước ngầm; kết hợp khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm; tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước. Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước, quy hoạch khai thác, bảo về tài nguyên nước mặt, nước ngầm, xả nước thải vào nguồn nước, quy hoạch lưu vực sông nội tỉnh được đẩy mạnh. Không chỉ tập trung sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước; tỉnh ta cũng đẩy mạnh công tác chăm lo đến đời sống của người lao động tham gia làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước. Hầu hết các doanh nghiệp có công đoạn sản xuất sử dụng nước đều đã chủ động trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động. Tiêu biểu như hai doanh nghiệp đã đạt danh hiệu giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” gồm: Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương, đội 14, xã Giao Nhân (Giao Thủy) chuyên sản xuất, chế biến thủy, hải sản và Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy) chuyên nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản. Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước trong quá trình nuôi và chế biến hải sản nên người lao động của cả hai đơn vị đều được doanh nghiệp cung cấp, bắt buộc sử dụng đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, đảm bảo an toàn sức khỏe. Người lao động còn được doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về lương thưởng, đóng BHYT, BHXH, chế độ nghỉ ngơi, dưỡng sức, khám sức khỏe theo quy định. Bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động, hai doanh nghiệp này luôn đảm bảo sử dụng nguồn nước sản xuất đạt quy chuẩn, nhờ đó mọi sản phẩm xuất bán ra thị trường đều là những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng tốt nhất, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Các sản phẩm chủ yếu của Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương là chả cá, sứa ướp muối, sứa ăn liền, cá mai khô, các sản phẩm được chế biến từ cá biển… còn được người tiêu dùng tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a… tin tưởng chọn mua. Từ nhiều năm nay sản phẩm ngao sạch Giao Thủy của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Thái Lan... 
 
Tuy nhiên, trong xu thế các ngành sản xuất đều được tập trung phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, ô nhiễm nguồn nước luôn bị báo động nguy cơ gia tăng nên người lao động làm các công việc trực tiếp liên quan đến nước đang có nguy cơ phải tiếp cận nhiều hơn với nguồn nước bị ô nhiễm, không đạt chuẩn. Vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn nguồn nước, xả thải hoặc xả các loại chất thải ra ngoài môi trường nước. Bên cạnh đó, trong gần một nửa số người lao động trên thế giới (khoảng 1,5 tỷ người) làm việc trong lĩnh vực liên quan đến nước có tới hàng triệu người ở nhiều quốc gia còn chưa được công nhận và chưa được bảo vệ bởi các quyền lao động cơ bản. Để thay đổi thực trạng này, các chương trình, hoạt động hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm nay hướng đến việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, cung cấp nguồn nước sạch đến người dân và giảm suy thoái môi trường, giảm bớt các nguy cơ tiêu cực tác động bất lợi đến sức khỏe những lao động làm các công việc liên quan trực tiếp đến nước. Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm nay, tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra việc bảo vệ, vệ sinh khu vực nguồn cấp nước của các công trình cấp nước sạch trên toàn tỉnh. Chỉ đạo các Cty KTCTTL thực hiện các biện pháp khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nạo vét hồ chứa, kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Cty Nước sạch và vệ sinh nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức thu gom rác, vệ sinh khu vực cấp nước của các trạm cấp nước sạch. Sở KH và CN phối hợp với Sở TN và MT, các đơn vị liên quan tổ chức chương trình truyền thông theo chủ đề “Nước và việc làm”; khuyến khích các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng trong hoạt động quản lý tài nguyên nước. Các đơn vị trong ngành Y tế tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về vai trò của nước đối với con người; kiểm tra, kịp thời phát hiện chấn chỉnh các thiếu sót trong hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước Thế giới, tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước và đề xuất các giải pháp phân bổ nguồn nước hợp lý; đồng thời vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ, giữ gìn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com