Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa

07:01, 28/01/2016
Năm 2015, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, phong trào xây dựng làng (TDP) văn hóa, gia đình văn hóa ở các địa phương trong tỉnh đã phát triển sâu rộng, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 
Một góc làng quê xã Hải Xuân (Hải Hậu).
Một góc làng quê xã Hải Xuân (Hải Hậu).
Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (TDP) văn hóa, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa, làng (TDP) văn hóa trong đời sống xã hội, đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, tổ chức bình chọn, công nhận các danh hiệu văn hóa. Sở VH, TT và DL phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các ngành, đoàn thể  tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa và MTTQ cơ sở. Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa... Nhờ những giải pháp đồng bộ, đến nay toàn tỉnh có 466.579/586.030 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 79,6% (tăng 0,6% so với năm 2014); 1.907/3.565 làng (thôn, xóm, TDP) đạt danh hiệu văn hóa (đạt tỷ lệ 53,5%, tăng 8,5% so với năm 2014). Trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng làng (TDP) văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều địa phương trong tỉnh đã có hướng đi đúng, cách làm sáng tạo để các nội dung phong trào ngày càng đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tai, tệ nạn xã hội; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá. Tại Thành phố Nam Định, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã huy động cả hệ thống chính trị “vào cuộc”: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, Hội CCB với phong trào “Gia đình CCB gương mẫu”, Hội Người cao tuổi thực hiện “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Nhờ vậy, phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Hiệu quả từ việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Hằng năm, công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được các TDP, thôn, xóm tổ chức công khai, dân chủ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn. Hiện nay, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trên địa bàn thành phố đạt 86%; có 340/527 TDP đạt danh hiệu “TDP văn hóa”, 50/61 làng được công nhận “Làng văn hóa”. Ở Hải Hậu, trong triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (TDP) văn hóa, huyện đã lồng ghép với các nội dung xây dựng nếp sống văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hiện 11/35 xã, thị trấn triển khai thực hiện thí điểm chủ trương “Không làm cỗ lấy phần” và “Ăn cỗ không lấy phần”. Với việc tang, đã có 21/35 xã, thị trấn trong huyện thực hiện quy định sử dụng vòng hoa luân chuyển, các hủ tủ lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ, không mời thuốc lá trong đám tang. Việc tổ chức lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa đều được tiến hành trang trọng trong phần lễ; kết hợp nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian trong phần hội. Đặc biệt, trong xây dựng làng (TDP) văn hóa, huyện tiếp tục thực hiện, khen thưởng 500 nghìn đồng cho mỗi xóm, TDP được công nhận văn hóa; với các xã, thị trấn có 100% số xóm đạt tiêu chí văn hóa NTM của huyện được thưởng 30 triệu đồng... Đến nay, toàn huyện có 460/546 xóm (TDP) đạt danh hiệu văn hóa (đạt 84,2%); 5 xóm (TDP) đạt danh hiệu văn hóa 5 năm liền (2011-2015); tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 86%. Tại huyện Giao Thủy, thực hiện Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng quy định chi tiết về tiêu chí, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa - NTM”, “Xóm (TDP) văn hóa - NTM”, “Xã, thị trấn văn hóa - NTM” trên địa bàn. Huyện chỉ đạo trong quá trình thực hiện phong trào gia đình văn hóa - NTM, các địa phương lấy xóm, TDP làm địa bàn, gia đình là hạt nhân. Năm 2015 tỷ lệ gia đình văn hóa - NTM toàn huyện đạt 80%; nhiều địa phương thực hiện đạt kết quả cao; tiêu biểu như các xã: Giao Hà, Giao Tiến, Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Giao An, Thị trấn Ngô Đồng. Phong trào xây dựng làng văn hóa (TDP) - NTM, toàn huyện hiện có 166/332 làng (TDP) văn hóa - NTM (đạt tỷ lệ 50%). Triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (TDP) văn hóa, huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có cam kết nội dung không vi phạm các tệ nạn xã hội. Cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn luôn gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình và người dân địa phương thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hưởng ứng các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa... Đến nay, toàn huyện có 27.600/38.583 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 71,5%), có 185/223 làng, TDP đạt danh hiệu “Làng (TDP) văn hóa”. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện phong trào xây dựng làng (TDP) văn hóa trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều địa phương đã giúp nhân dân vay vốn, đẩy mạnh các hình thức khuyến khích phát triển ngành nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; các làng (TDP) được công nhận văn hóa đã tạo môi trường đoàn kết để các gia đình tăng cường trao đổi kinh nghiệm mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình và địa phương phát triển... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn dưới 3%. 
 
Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng (TDP) văn hóa, gia đình văn hóa, các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương cần nhận thức đúng việc xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, lành mạnh là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào đối với cộng đồng và mỗi gia đình. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu văn hóa, tạo động lực để đẩy mạnh, nhân rộng, nâng cao chất lượng và đảm bảo tính bền vững của phong trào./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com