Khó khăn trong công tác tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp

07:01, 28/01/2016
Hầu hết các trường TCCN hiện nay đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh bởi tỷ lệ tuyển sinh thấp, tuyển không đủ chỉ tiêu, mặc dù đã hết sức nỗ lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ giáo viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp. 
 
Hiện nay, các trường TCCN phần lớn chỉ xét tuyển thông qua học bạ, thời gian tuyển sinh dài. Tuy vậy, các trường vẫn lo thiếu người học và trên thực tế công tác tuyển sinh ở các trường TCCN vẫn gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, Trường Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định được giao 250 chỉ tiêu, nhưng bằng mọi biện pháp tích cực cũng chỉ tuyển được 136 chỉ tiêu. Đồng chí Hoàng Văn Quyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhằm thu hút học sinh, hằng năm, ngoài việc giới thiệu mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, trường còn liên hệ với các trường THPT và THCS để phối hợp tư vấn, dạy nghề, giới thiệu về tuyển sinh đào tạo của trường và khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn không thu hút được học sinh”. Hiện tại, với 4 ngành nghề đào tạo hệ TCCN là: Điện công nghiệp - điện dân dụng; Báo chí, công nghệ phát thanh - truyền hình và công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; hệ trung cấp nghề đào tạo 3 nghề gồm: Điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, điện công nghiệp và dân dụng; hệ sơ cấp nghề đào tạo các nghề: dẫn chương trình, quay phim, dựng phim, điện dân dụng và điện tử dân dụng, bình quân mỗi năm nhà trường đào tạo khoảng 660 học sinh ở các khóa và loại hình đào tạo. Năm 2015, nhà trường đã thực hiện cải tiến công tác quản lý đào tạo, kịp thời sửa đổi chương trình khung một số ngành, tổ chức biên soạn 23 cuốn giáo trình dùng chung với mục tiêu giáo dục phải đi trước một bước cho phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đổi mới phương pháp dạy học nhằm mục đích từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Dù rất cố gắng trong công tác tuyển sinh nhưng theo đồng chí hiệu trưởng thì trong xu thế chung hiện nay, không chỉ riêng đối với nhà trường, đối tượng đăng ký vào học các trường TCCN vẫn ngày càng khó tuyển. 
Học sinh Trường Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định trong giờ thực hành điện tử.
Học sinh Trường Trung cấp Công nghệ và Truyền thông Nam Định trong giờ thực hành điện tử.
Năm học 2015-2016, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị đào tạo TCCN với chỉ tiêu tuyển 3.525 học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này các trường đều tuyển được rất ít học sinh vào học. Trong 10 trường có đào tạo TCCN, có 2 trường là: Trung cấp Công đoàn, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nam Định vẫn chưa có học sinh đăng ký vào học. 8 trường còn lại với tổng số 3.525 chỉ tiêu được giao, mới thực hiện tuyển sinh được 1.501 chỉ tiêu và có 1.334 học sinh nhập học, trong đó không có trường nào đạt chỉ tiêu được giao. Trường Cao đẳng nghề Nam Định, hệ trung cấp với chỉ tiêu là 150, có 55 học sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 34 học sinh nhập học. Trường Cao đẳng Sư phạm (hệ trung cấp) chỉ tiêu 800, có 196 học sinh trúng tuyển và 182 học sinh nhập học. Trung cấp Y tế tuyển 750 chỉ tiêu, có 512 học sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 380 học sinh nhập học. Trường Kinh tế kỹ thuật nông nghiệp tuyển được 125/300 chỉ tiêu; Trường Văn hóa - nghệ thuật tuyển được 134/375 chỉ tiêu, Trường Cơ điện tuyển được cao nhất là 253/300 chỉ tiêu… Mặc dù nhu cầu lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay là rất lớn nên cơ hội việc làm cho học sinh học TCCN là khá cao. Một số nghề luôn “khát” lao động có tay nghề như: xây dựng, thợ hàn, điện cơ, cơ khí, điện tử công nghiệp, điện lạnh, chăn nuôi thú y… nhưng vẫn thiếu “nguồn” tuyển. Một trong những nguyên nhân khiến các trường TCCN khó khăn trong công tác tuyển sinh là sự thiếu hụt thông tin dự báo về nhu cầu phục vụ phát triển đào tạo nhân lực, về thị trường lao động. Nội dung đào tạo trong nhà trường và nhu cầu thực tiễn công việc còn khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân, nhà trường, xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đúng. Thêm vào đó là sự yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông do nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên am hiểu tâm lý học nghề đã gây trở ngại không ít đến việc quyết định lựa chọn học nghề của học sinh. Trong khi đó tâm lý phụ huynh và ngay cả đối với học sinh ai cũng mong muốn được học tập tại các trường đại học, cao đẳng... Thực tế đó đã khiến nhiều trường trung cấp không tuyển đủ chỉ tiêu. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TCCN và nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh ở các đơn vị, Sở GD và ĐT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, công tác tổ chức quá trình đào tạo và chủ động phối hợp với ngành chủ quản và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Các trường đã cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đồng thời tìm mọi giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội; gắn đào tạo với thực tế sản xuất; mở rộng liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trường học để đưa học sinh đến thực hành, thực tập, tạo điều kiện cho các em được học tập, rèn luyện, trải nghiệm thực tế.
 
Theo khảo sát bước đầu có trên 50% học sinh sau tốt nghiệp tìm được việc làm đúng với ngành đào tạo. Đặc biệt có một số ngành phần lớn học sinh có việc làm sau tốt nghiệp như: giáo dục mầm non, âm nhạc, mỹ thuật, may công nghiệp, hàn, tiện… Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện việc tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học theo hướng học văn hóa kết hợp với học nghề, song song với xây dựng và hoàn chỉnh chương trình các môn văn hóa theo hướng tích hợp và chuẩn hóa hoặc liên kết với các trung tâm GDTX để vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. 100% cơ sở đào tạo TCCN đã thực hiện chuyển đổi ngành đào tạo theo quy định, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện chương trình và xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với chương trình mới. Việc biên soạn giáo trình phù hợp với thực tiễn sản xuất luôn được các đơn vị quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong năm học vừa qua, các trường đã hoàn thiện được hàng chục bộ giáo trình góp phần hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình trong các trường chuyên nghiệp và đầu tư mua sắm các đầu sách, báo, đặc biệt là các sách chuyên môn…
 
Dù đã hết sức cố gắng nhưng mùa tuyển sinh năm nay, các trường TCCN vẫn gặp khó khăn. Hơn lúc nào hết, các trường cần tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh từ bỏ những định kiến về học nghề. Bên cạnh đó, các trường TCCN cũng cần đầu tư tốt hơn vào trang thiết bị dạy nghề và đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao tay nghề, trình độ giáo viên… nhằm thu hút ngày càng đông học sinh vào học./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com