Toà án nhân dân tỉnh chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ, thẩm phán

09:01, 26/01/2016
Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, thời gian qua, TAND tỉnh đã tập trung đổi mới biện pháp công tác, củng cố, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xét xử các vụ án, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, thẩm phán Tòa hành chính TAND tỉnh trao đổi nghiệp vụ xét xử.
Cán bộ, thẩm phán Tòa hành chính TAND tỉnh trao đổi nghiệp vụ xét xử.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thẩm phán, TAND tỉnh thường xuyên quán triệt kịp thời chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đến đội ngũ cán bộ, công chức. Hằng năm, cùng với việc đề xuất với TAND Tối cao phân bổ nguồn thư ký đi đào tạo nghiệp vụ xét xử, TAND tỉnh đều cử thư ký, thẩm tra viên đi đào tạo nghiệp vụ xét xử để có đủ điều kiện dự nguồn thi tuyển chọn thẩm phán; cử những thẩm phán chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử hoặc đã qua đào tạo nhưng chất lượng giải quyết án còn hạn chế đi dự lớp đào tạo ngắn hạn do TAND Tối cao tổ chức; thường xuyên rà soát các trường hợp đủ điều kiện tuyển chọn thẩm phán sơ cấp và thi nâng ngạch thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp để đề nghị TAND Tối cao cho phép thi tuyển, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các thủ tục sau khi TAND có hướng dẫn cụ thể để công tác bổ nhiệm thẩm phán được thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo chất lượng công tác xét xử... Bên cạnh đó, TAND tỉnh đề xuất với Tỉnh ủy phân bổ chỉ tiêu học các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị đối với thẩm phán TAND hai cấp để chuẩn hóa trình độ chính trị của đội ngũ thẩm phán. Công tác bổ nhiệm thẩm phán, bổ nhiệm chức vụ được thực hiện thường xuyên nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực và đảm bảo công tác quản lý điều hành tại TAND hai cấp. Từ năm 2010 đến nay, ngành TAND tỉnh đã được bổ nhiệm mới chức danh Chánh án TAND tỉnh, 2 Phó Chánh án TAND tỉnh, 11 chức danh lãnh đạo; bổ nhiệm mới 19 thẩm phán, bổ nhiệm lại 48 thẩm phán…; cử 13 cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị và tạo điều kiện để cán bộ đi học cao học Luật. Bên cạnh việc nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, TAND tỉnh còn chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng xét xử. Hằng năm, TAND tỉnh đều tiến hành kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong hệ thống TAND hai cấp với chủ đề: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức ngành TAND”. TAND tỉnh cũng thường xuyên phát động các phong trào thi đua: Phong trào “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, gắn với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, “Quyết tâm xây dựng ngành TAND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp”, “Cán bộ công chức TAND tỉnh phát huy trí tuệ, không ngừng đổi mới; giỏi về chuyên môn, trong sạch về đạo đức, lối sống; đoàn kết, kỷ cương, phụng sự công lý”. Qua các phong trào thi đua, TAND tỉnh đã phát hiện những cá nhân tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chuyên môn, có phẩm chất đạo đức trong sáng để tiếp tục bổ sung đội ngũ cán bộ thẩm phán và dự nguồn các chức vụ lãnh đạo quản lý; kịp thời giáo dục, chấn chỉnh những cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực hoặc có dấu hiệu lệch lạc trong tư tưởng. Đối với những đơn vị có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao; có dư luận về việc xét xử thiếu khách quan, chưa nghiêm minh hoặc để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật thì làm rõ khuyết điểm, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân, xác định trách nhiệm để có biện pháp xử lý.
 
Với việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thẩm phán, đến nay đội ngũ cán bộ, thẩm phán TAND hai cấp đã đủ về số lượng và nâng cao chất lượng. Toàn ngành hiện có 159 cán bộ, thẩm phán, trong đó có 49 thẩm phán trung cấp, sơ cấp. 100% thẩm phán có trình độ cử nhân Luật, 23 thẩm phán có trình độ thạc sĩ Luật, 6 thẩm phán đang học cao học Luật, 1 thẩm phán đang đào tạo tiến sĩ; 26 cán bộ, thẩm phán có trình độ cao cấp lý luận chính trị… Do đó, chất lượng xét xử các vụ án ngày càng được nâng cao. Các bản án bảo đảm nghiêm minh, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật. Tỷ lệ án sửa, huỷ qua từng năm đều giảm thấp dưới mức quy định. Đặc biệt những năm gần đây, TAND hai cấp đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án trọng điểm. Trong đó có vụ án: Phạm Tuấn Ánh phạm tội “giết người”; vụ án Trần Duy Khanh phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Ngần Văn Thương phạm tội “mua bán trái phép chất ma túy”; vụ án Dương Văn Hưởng, Phạm Văn Quyết phạm tội “giết người” và “che giấu tội phạm”; vụ án Lại Duy Thanh phạm tội “gây rối trật tự công cộng”; vụ án Phạm Văn Phong phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Trong năm 2015, TAND hai cấp đã giải quyết, xét xử được 3.403 vụ, việc trên tổng số 3.898 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 87,3%./.
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com