Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa Xuân 2016

07:01, 28/01/2016
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, không khí mua bán đã tấp nập khắp các nẻo đường từ thành phố tới các vùng nông thôn trong tỉnh. Năm nay, ngoài sản phẩm thông dụng của các Cty sản xuất trong nước, người tiêu dùng Thành phố Nam Định được chứng kiến sự “góp mặt” khá phong phú các mặt hàng bánh kẹo, đồ uống, mứt hoa quả, nước giải khát, rượu, hạt dưa, hạt bí đủ loại… được nhập về từ các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản… Tại các chợ đầu mối, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như cua biển, ngao, tôm, thịt lợn, thịt bò, gà được sơ chế đóng gói sẵn để người nội trợ mua về chế biến… Vấn đề đặt ra là liệu những mặt hàng thực phẩm đó có đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)? Còn tại một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và các chợ nông thôn trong tỉnh tình hình ATTP còn khá nhiều bất ổn. Tại đây, phần lớn các sản phẩm gia súc gia cầm chưa qua kiểm dịch được bày bán tràn lan. Một số chợ đầu mối cung ứng các mặt hàng bánh kẹo, các loại hạt dưa, hạt bí, đồ khô... bày bán các sản phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo được làm nhái các cơ sở sản xuất uy tín vẫn được bày bán công khai. Bên cạnh thực phẩm chế biến sẵn, hiện tại trên thị trường có quá nhiều hoa quả nhập ngoại, chủ yếu là hoa quả ngậm hóa chất bảo quản có xuất xứ từ Trung Quốc; hoặc hoa quả trong nước nhưng tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, chất bảo quản; chất kháng sinh, vi sinh và các chất cấm khác có nhiều ở thức ăn động vật... Cùng với các nguy cơ trên, dịp Tết cũng chính là thời điểm nguy cơ lớn về bùng phát các loại dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, trong khi việc kiểm soát đầu mối cung cấp gia cầm từ các cơ sở chăn nuôi đến các chợ, các nhà hàng là rất khó khăn. 
 
Để đảm bảo ATTP phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân, ngày 23-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/2015 triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016. Theo đó, từ ngày 25-12-2015 đến ngày 20-3-2016, các ngành chức năng, các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP. Mục tiêu đặt ra là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2015. Trong thời gian này, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức; nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội. Tuyên truyền Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, các tiêu chuẩn, quy định điều kiện VSATTP và kiến thức khoa học về VSATTP. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, năm nay, công tác truyền thông hướng tới việc tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết với các nội dung: Không uống cồn công nghiệp, không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia… 
ATTP tại lễ hội còn tiềm ẩn nhiều bất ổn (Ảnh chụp tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản 2015).
ATTP tại lễ hội còn tiềm ẩn nhiều bất ổn (Ảnh chụp tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản 2015).
Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh gồm đại diện các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công thương, KH và CN, Công an, tiến hành thanh tra, kiểm tra 6 huyện, thành phố. Đoàn 1 do Sở Y tế chủ trì kiểm tra Thành phố Nam Định và huyện Trực Ninh, đoàn 2 do Sở NN và PTNT chủ trì kiểm tra huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy, đoàn 3 do Sở Công thương chủ trì kiểm tra huyện Ý Yên và huyện Vụ Bản. Ngoài các đoàn liên ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Trong đó, các đoàn của tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do các đoàn của cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được 2/3 trong tổng số trên 50 cơ sở được dự kiến thanh tra, kiểm tra bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...; tập trung vào những mặt hàng người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, mứt, bia rượu, nước giải khát, sản phẩm từ thịt như giò, chả... đặc biệt là những cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP. Tại các cơ sở, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đã nghe báo cáo việc chấp hành các quy định bảo đảm VSATTP của cơ sở và kiểm tra thực tế cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật, các quy định, quy chế VSATTP từ khâu sản xuất, lưu thông phân phối, nhập khẩu, đến tiêu dùng... Theo đánh giá bước đầu của 3 đoàn thanh tra, kiểm tra, năm nay công tác VSATTP tiến bộ hơn so với những năm trước do điều kiện vệ sinh nhà xưởng, nơi sản xuất của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh được bảo đảm. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn đã có ý thức vệ sinh cơ sở sản xuất, phương tiện dụng cụ, nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các thành phẩm cũng đã được kiểm tra chất lượng định kỳ. Công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền cơ sở cũng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, qua đợt thanh tra, kiểm tra, vẫn còn nhiều cơ sở mới được thành lập chưa có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP, chưa tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm. Một số cửa hàng kinh doanh hoa quả tại tuyến huyện không có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Tại các nhà hàng, đặc biệt là các nhà hàng nhỏ, các cửa hàng ăn uống tuyến xã, ý thức vệ sinh nhà xưởng, nơi kinh doanh còn kém. Đặc biệt, một số cơ sở tuyến huyện không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không tập huấn cho nhân viên chế biến thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ, không có giấy phép kinh doanh. Tại các cơ sở này, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh đã giao cho huyện, xã xử lý vi phạm. Quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã kết hợp công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP nhằm nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm ATTP của cộng đồng. 
 
Từ nay đến hết Lễ hội mùa Xuân 2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm ATTP để hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./. 
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com