Vụ Bản nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

07:07, 04/07/2013

Cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Vụ Bản luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tư pháp; trong đó chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Thông qua công tác hoà giải ở cơ sở, đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Đến nay ở cả 18 xã, thị trấn của huyện đều đã thành lập ban hoà giải với 150 thành viên và 238 tổ hoà giải ở 224 thôn với 2.020 hoà giải viên. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, đề ra những biện pháp phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho công tác hòa giải phát huy nhằm tác động tích cực đối với đời sống xã hội. Hằng năm, Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật huyện và các xã, thị trấn đều ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung tăng cường hoạt động của các tổ hoà giải và lực lượng hoà giải viên ở cơ sở. UBND huyện chỉ đạo các xã kiện toàn tổ hoà giải và đội ngũ những người làm công tác hoà giải; riêng ở những thôn quy mô lớn, thành lập 2 tổ hòa giải. Để nâng cao năng lực nghiệp vụ hòa giải cơ sở, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, tham gia dự các buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã; chỉ đạo các tổ hòa giải tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, lồng ghép với việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở… Từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 500 hòa giải viên, nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ gồm: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; các kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự, thuyết phục các bên tranh chấp, phối hợp giữa tuyên truyền pháp luật và hòa giải cơ sở, lập biên bản xử lý vụ việc, báo cáo kết quả hòa giải; thực hành xử lý các tranh chấp thường diễn ra trong thực tế đời sống dân cư. UBND các xã, thị trấn giao cho Ban Tư pháp xã phân công cán bộ phụ trách công tác hòa giải ở các thôn, xóm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho lực lượng hòa giải cơ sở; phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các CLB pháp luật tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã tiến hành hòa giải 350 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 290 vụ, việc, đạt trên 80%. Thông qua các vụ việc hoà giải thành, các tranh chấp nhỏ đều được giải quyết ngay từ cơ sở, giảm khoảng 30% các loại vụ, việc tranh chấp dân sự phải chuyển đến TAND hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Xã Trung Thành là một trong những đơn vị điển hình làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Xã có 19 tổ hòa giải ở 8 thôn, mỗi tổ có từ 6 đến 9 thành viên, đại diện của các ngành, đoàn thể và những người có uy tín, hiểu biết về pháp luật tại các thôn, xóm. Trung bình mỗi năm, các tổ, ban hòa giải ở xã tiếp nhận trên mười trường hợp khiếu kiện, tranh chấp trong các lĩnh vực quan hệ hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn họ hàng, làng xóm, tranh chấp đất đai… Khi tiếp nhận các vụ việc, các thành viên trong các tổ, ban hòa giải trực tiếp đến nơi xảy ra tranh chấp, xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó tìm cách giải quyết phù hợp. Các hòa giải viên đã khéo léo vận dụng các quy định của pháp luật và quan hệ của đôi bên để giải quyết thấu tình, đạt lý. Ở xóm Phạm có gia đình ông V và chị B nhà liền nhau nên thường ngày, chị B thường sang nhà ông V giúp đỡ ông bà những công việc nhỏ. Bà M, vợ ông V nghi ngờ chị B có tình ý với chồng mình, sinh ghen và mắng chửi chị B. Uất ức vì bị xúc phạm, chị B đã xô sát với bà M. Qua nắm bắt dư luận trong thôn, tổ hòa giải khẳng định mối quan hệ giữa ông V và chị B chỉ là tình cảm làng xóm, nghi ngờ của bà M là vô lý, không có cơ sở. Hành vi mắng chửi của bà M với chị B là vi phạm đến danh dự, nhân phẩm của chị, làm mất trật tự trị an thôn, xóm. Tổ hòa giải một mặt nhắc nhở chị B cần cẩn trọng trong ứng xử với hàng xóm, tránh gây nên những hiểu lầm đáng tiếc; mặt khác, nhắc nhở ông V cần phân tích để vợ hiểu mối quan hệ, không nên ghen tuông vô lý làm mất tình cảm láng giềng. Sau khi được hòa giải, hai bên đã nhận ra sai trái, cùng thông cảm cho nhau và mối quan hệ giữa hai gia đình trở lại bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay công tác hòa giải ở cơ sở của huyện Vụ Bản vẫn gặp một số khó khăn như: các tổ hòa giải thường xuyên thay đổi nhân sự nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật và tích lũy kinh nghiệm trong công tác hòa giải còn hạn chế. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức pháp luật cho cán bộ hòa giải ở cơ sở chưa thường xuyên và chưa hướng đến chiều sâu; chính sách đối với cán bộ làm công tác hòa giải còn bất cập. Vì vậy, thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở tới cán bộ và nhân dân; tăng cường tập huấn pháp luật, phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động hòa giải cho các ban, tổ hòa giải, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn huyện./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com