Tăng cường công tác bảo trì đường bộ

08:07, 09/07/2013

Công tác bảo trì là một trong những công việc bắt buộc phải thực hiện trong quá trình khai thác, sử dụng hệ thống đường bộ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, đầu tư cho công tác bảo trì đường bộ thường xuyên có lợi hơn nhiều so với đầu tư sửa chữa khôi phục, cải tạo khi đường bắt đầu xuống cấp. Nhận thức được điều đó, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác bảo dưỡng trên toàn bộ hệ thống đường bộ của tỉnh.

Công nhân Cty TNHH MTV Công trình đô thị Nam Định sơn lại vạch phân làn giao thông trên đường Trần Phú.
Công nhân Cty TNHH MTV Công trình đô thị Nam Định sơn lại vạch phân làn giao thông trên đường Trần Phú.

Hằng năm, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật và trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị chức năng của Sở GTVT tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn mạng lưới giao thông đường bộ, tổ chức phát quang tầm nhìn hai bên đường, sửa chữa gia cố lề đường, rãnh thoát nước, duy tu, bảo dưỡng, vá ổ gà cao su trên các tuyến quốc lộ do Trung ương uỷ thác quản lý và các tuyến đường tỉnh. Tại 77km Quốc lộ 21 từ cầu Họ (Km139+963) đến Thịnh Long (Km 208+280) được Tổng cục Đường bộ Việt Nam uỷ thác quản lý, Sở GTVT đã triển khai công tác quản lý, bảo trì tuyến đường đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn giao thông và lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn đường bộ. Thực hiện kế hoạch sửa chữa đột xuất các công trình đường bộ trên Quốc lộ 21 năm 2012 và 2013, Sở GTVT đã tiến hành triển khai thực hiện các bước dự án kịp thời, đúng tiến độ. Hiện nay, phần lớn các công trình đã thi công xong, bàn giao và đưa vào sử dụng, bao gồm: duy tu đường và cầu nhỏ trên Quốc lộ 21; bảo trì cầu Lạc Quần, cầu Nam Định và cầu vượt đường sắt tuyến tránh Thành phố Nam Định; sửa chữa khe co giãn cầu Khâm (Km159+550); sửa chữa khe co giãn cầu Lê Xá (Km141+349). Riêng 6 tháng đầu năm 2013, trên tuyến Quốc lộ 21, Sở GTVT đã tiến hành làm mới 7 hạng mục bảo trì, bao gồm: xây rãnh thoát nước dọc đoạn Km169+700; xây cống thoát nước ngang đường và sửa chữa mặt đường gầm cầu vượt đường sắt tại Km147+200; sửa chữa khe co giãn cầu Nam Định (Km148+200); vuốt dốc cầu tại ngã tư chợ cầu Đôi (Km182+500) và vuốt dốc các đường ngang đấu nối vào quốc lộ; sửa chữa ngã ba Quốc lộ 21 (Km174+200) và đường 32m huyện Xuân Trường… Để công tác duy tu đường bộ đạt chất lượng cao, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT) thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn của các công trình giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ nội địa; phát hiện và đề nghị các đơn vị quản lý giao thông có biện pháp sửa chữa, khắc phục điểm công trình giao thông, biển báo, cọc tiêu bị hư hỏng, không còn tác dụng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức phát quang tầm nhìn hai bên đường, sửa chữa gia cố lề, vỉa hè, rãnh thoát nước, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình đảm bảo ATGT, hệ thống điện chiếu sáng, đèn tín hiệu, vá láng mặt đường, đắp cấp phối đảm bảo mặt đường êm thuận, vệ sinh mặt đường, mặt cầu, quét vôi, chỉnh trang hệ thống biển báo hiệu đường bộ, san gạt lề đường, bổ sung mới biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường trọng điểm của các huyện, thành phố. Trên địa bàn huyện Hải Hậu có hệ thống giao thông đường bộ đa dạng, gồm Quốc lộ 21, 3 tuyến tỉnh lộ 486B, 488, 488C dài trên 39km và các tuyến đường liên huyện đều thường xuyên được đầu tư duy tu, bảo dưỡng. Hằng năm các xã, thị trấn đều chủ động trích một phần ngân sách đầu tư cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường trục xã, góp phần bảo đảm ATGT. Tại huyện Nghĩa Hưng, có hệ thống đường tỉnh dày đặc. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường duy tu, bảo dưỡng những đoạn đường đã xuống cấp, tổ chức phát quang những đoạn đường có cây cối làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông, đồng thời tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa bất hợp lý; phát hiện và xử lý các "điểm đen" về TNGT; tổ chức giải tỏa lấn chiếm lòng, lề đường…

Với những nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác duy tu, bảo trì đường bộ đã góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống giao thông đường bộ được thông suốt và an toàn. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh, nhất là Quốc lộ 38B và các tỉnh lộ, các tuyến giao thông liên huyện, giao thông nông thôn phần lớn đều được khai thác sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp, trong khi số lượng phương tiện vận tải ngày một tăng; nguồn vốn đầu tư cho hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp, duy tu, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế; kinh phí cấp cho công tác quản lý bảo trì chậm... Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ sớm nguồn vốn hằng năm vào đầu quý I để tỉnh có điều kiện triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến quốc lộ được uỷ thác quản lý, đồng thời quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn ADB cho hệ thống tỉnh lộ, WB cho hệ thống giao thông nông thôn, nhất là hệ thống cầu yếu./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com