Để hoạt động trợ giúp pháp lý phát huy hiệu quả

07:07, 25/07/2013

Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự "vào cuộc" của các ngành chức năng, những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Hoạt động TGPL lưu động được tiến hành thường xuyên; các CLB TGPL được thành lập ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh, đã góp phần phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa thông tin pháp luật đến với nhân dân, đặc biệt là với người nghèo, đối tượng chính sách, góp phần tích cực vào việc giữ gìn ANTT ở địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 48 CLB TGPL ở 10 huyện, thành phố với tổng số 270 thành viên. Ngoài việc phổ biến kiến thức pháp luật; tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật theo yêu cầu; tham gia hòa giải các vụ việc, những vướng mắc về pháp luật tại cộng đồng, thông qua các buổi sinh hoạt, các CLB TGPL còn giới thiệu các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, giúp cán bộ và nhân dân các địa phương tiếp cận và nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Để đạt được điều đó, ngoài nỗ lực của ngành chức năng trong việc chuẩn bị nội dung, hình thức tuyên truyền trợ giúp, còn có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo, tạo điều kiện về địa điểm, hỗ trợ kinh phí, phương tiện làm việc, đồng thời trực tiếp đối thoại, giải đáp những thắc mắc của nhân dân. Trước những yêu cầu bức thiết của nhân dân trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, năm 2006, CLB TGPL xã Giao An (Giao Thủy) được thành lập do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm chủ nhiệm và các thành viên gồm đại diện các tổ chức, đoàn thể như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB... Qua gần 8 năm hoạt động, CLB TGPL của xã đã tổ chức sinh hoạt định kỳ được trên 70 cuộc với gần 3.000 lượt người tham dự, giải đáp, tư vấn pháp luật về các lĩnh vực như: chế độ chính sách, đất đai, dân sự… cho hàng trăm lượt người. Đồng chí Trần Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Giao An cho biết: “CLB TGPL của xã ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhân dân. Nhờ hoạt động hiệu quả nên mọi băn khoăn, vướng mắc của người dân đều được giải đáp, từ đó làm hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn xã". Mặc dù chưa thành lập được CLB TGPL nhưng từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đều phối hợp với Phòng Tư pháp huyện và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tổ chức 1 cuộc TGPL lưu động cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhân dân trong xã.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh chuẩn bị nội dung tổ chức trợ giúp pháp lý.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh chuẩn bị nội dung tổ chức trợ giúp pháp lý.

Nhằm tạo điều kiện cho người được TGPL và nhiều đối tượng khác ở địa phương được tham dự, các buổi TGPL lưu động được thực hiện trực tiếp tại các thôn, xóm. Thành phần thực hiện trợ giúp gồm cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, Phòng Tư pháp huyện và lãnh đạo UBND xã. Nội dung trợ giúp bám sát với thực tế, giải đáp, giải thích và hướng dẫn cho bà con về các thủ tục hành chính, quyền lợi của người có công, chế độ hộ nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành. Các câu hỏi liên quan đến các quy định pháp luật chung thì người thực hiện TGPL trả lời trực tiếp. Những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đã và đang triển khai tại địa phương do cán bộ, công chức đại diện cho chính quyền địa phương trả lời trực tiếp cho người dân hiểu rõ. Vì vậy, những buổi TGPL lưu động có sự phối hợp từ phía chính quyền địa phương thường đạt được hiệu quả cao, người dân không còn vướng mắc hay băn khoăn do chưa được trả lời thỏa đáng. Ngoài ra, tại các buổi TGPL, nhân dân còn được nghe giới thiệu chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các định hướng về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để hiểu và thực hiện. Ông Nguyễn Văn Dân (Thị trấn Rạng Đông) - người thường xuyên đến dự các buổi TGPL cho biết: “Khi tham dự buổi TGPL tôi đã được giải đáp một số vướng mắc và hướng dẫn làm thủ tục để được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo. Tôi mong địa phương có thêm nhiều buổi TGPL lưu động để người dân được biết những quy định của Nhà nước, của địa phương từ đó thực hiện tốt chính sách pháp luật và được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình”. Hoạt động TGPL lưu động đã thực sự là cầu nối giữa người dân nghèo, đối tượng chính sách với pháp luật. Thông qua hoạt động này, người dân sẽ có thêm hiểu biết về các quy định của pháp luật, nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lựa chọn cách xử lý đúng pháp luật khi có vướng mắc phát sinh; đồng thời giúp chính quyền nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.

Từ thực tế hoạt động TGPL tại cơ sở, có thể khẳng định vai trò của UBND cấp xã trong hoạt động TGPL có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo hoạt động TGPL lưu động đạt hiệu quả thiết thực, mang niềm tin pháp lý đến người dân. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, hoạt động TGPL chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền cơ sở. Nguyên nhân do nhận thức về hoạt động TGPL còn chưa đầy đủ nên khi có đề nghị tổ chức hoạt động TGPL thì lãnh đạo địa phương còn ngại khi tổ chức các buổi TGPL lưu động sẽ làm nảy sinh việc khiếu nại, tố cáo làm ảnh hưởng tới tình hình ANTT của địa phương. Ở một số xã, phường của Thành phố Nam Định vẫn coi hoạt động này là chưa cần thiết vì cho rằng nhận thức pháp luật của nhân dân đã được nâng cao, các dịch vụ TGPL trên địa bàn có nhiều, mặt khác, do điều kiện kinh phí còn khó khăn nên chưa có điều kiện thành lập CLB TGPL và tổ chức các buổi TGPL lưu động… Để phát huy hiệu quả của công tác TGPL thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về TGPL tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh. UBND tỉnh cần ban hành quy chế phối hợp giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã trong hoạt động TGPL lưu động để đưa kiến thức pháp luật đến với người dân. Trong đó, cần nâng cao vai trò của UBND cấp xã trong việc quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện làm việc và sinh hoạt CLB; hỗ trợ một phần kinh phí bảo đảm hoạt động của các CLB; coi CLB là cầu nối, là diễn đàn đối thoại trong nội bộ nhân dân, để qua đó cấp ủy, chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Gắn hoạt động của CLB TGPL với hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương. Hoạt động của CLB TGPL cần được coi là một trong các phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả để có chính sách hỗ trợ kinh phí cho CLB từ nguồn tài chính dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com