Khởi sắc một vùng quê

08:07, 23/07/2013

Trở lại xã Giao Phong (Giao Thủy) vào một ngày giữa tháng 7, đi trên con đường trục xã và những đường liên thôn, liên xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp, chúng tôi cảm nhận được bước chuyển mình vững chắc của một vùng quê nơi đầu sóng. Dọc hai bên đường dẫn vào khu trung tâm xã, những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên thấp thoáng đan xen với những ngôi nhà mái bằng khang trang san sát; khu trung tâm xã khá sầm uất với những hộ kinh doanh; những công trình phúc lợi của xã: trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa có cả sân khấu ngoài trời phục vụ cho các hoạt động cộng đồng… đã được đầu tư xây sửa khang trang, đẹp đẽ, tạo “điểm nhấn” cho bức tranh làng quê Giao Phong trên con đường đổi mới.

Nông thôn mới xã Giao Phong (Giao Thủy) hôm nay.
Nông thôn mới xã Giao Phong (Giao Thủy) hôm nay.

Sự khởi sắc của xã ven biển Giao Phong trong những năm qua là do Đảng uỷ, UBND xã đã đưa ra những quyết sách đúng đắn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội với những chủ trương, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình và phát huy được sức mạnh nội lực của địa phương. Một trong những bước đột phá được Đảng ủy, UBND xã chọn để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển là xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực ven biển. Trên cơ sở đó, xã đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với việc quy hoạch thành vùng chuyên canh tập trung; áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua những thành công của các mô hình đầu tiên, ngày càng có nhiều hộ dân trong xã chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP theo chương trình của Bộ NN và PTNT. Ngoài phát huy thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, xã còn tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm và phát triển một số ngành nghề dịch vụ, công nghiệp, từng bước đa dạng hóa ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã đang từng bước có sự chuyển dịch tích cực: Nông nghiệp 40%, diêm nghiệp 25%, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản 20%, dịch vụ 15%; trong đó nuôi trồng và khai thác thủy sản có bước phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng với diện tích nuôi đạt 142ha (trong đó nuôi tôm công nghiệp 72ha), là xã có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh, với năng suất bình quân đạt khoảng 8 tấn/ha/năm, nhiều hộ đạt năng suất 10-15 tấn/ha/năm. Xã có 17 phương tiện đánh bắt thủy hải sản với sản lượng đạt trên 840 tấn/năm. Hiện trên địa bàn xã có 1 trang trại và 20 gia trại chăn nuôi, 2 cơ sở may công nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 100 công nhân. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã giảm xuống còn 5,76%.

Đặc biệt trong hơn 2 năm qua, Giao Phong là 1 trong 8 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy được chọn làm điểm xây dựng NTM. Đảng uỷ xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân tích cực triển khai thực hiện với những bước đi vững chắc, những cách làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, huy động sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Xã đã tập trung nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch lại vùng sản xuất làm nền tảng cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với chuyển đổi sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, xã đã huy động sức dân, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, phát huy tinh thần dân chủ, tạo được sự đồng thuận của nhân dân; 100% hộ dân trong xã tự nguyện hiến đất mở rộng đường nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi của xã với tổng diện tích 50.300m2. Đến nay, cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn đóng góp của nhân dân, xã đã hoàn thành 3,3km đường liên xóm với kinh phí 2,5 tỷ đồng; kiên cố hóa 4,3km kênh mương với tổng kinh phí 3,05 tỷ đồng; xây dựng hoàn chỉnh các công trình trường mầm non với nguồn kinh phí 3,5 tỷ đồng; xây sửa trường tiểu học và trường THCS với tổng kinh phí 13,1 tỷ đồng; xây sửa khu văn hóa trung tâm hành chính trị giá 1,2 tỷ đồng; xây dựng khu xử lý rác thải và đường ra bãi rác trị giá 2,9 tỷ đồng… Đi đôi với việc tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, Đảng ủy xã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh tuyến biển, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường ổn định cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Đến nay, xã có 9/11 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa”, số “Gia đình văn hóa” đạt 91,8%, trường mầm non, trường tiểu học và trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. Giao Phong là 1 trong 2 xã của huyện Giao Thuỷ đạt danh hiệu “Xã chuẩn văn hóa NTM”. Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong xã cùng sự hỗ trợ nguồn lực mọi mặt của các cấp, các ngành đến nay xã đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM…    

Với những định hướng, quyết sách đúng đắn, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, Đảng uỷ, UBND xã Giao Phong đã và đang lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội với những bước đi thận trọng, chắc chắn, tạo sự đổi thay diện mạo nông thôn vùng chân sóng, hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương trong lộ trình xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Thu Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com