Qua hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới ở Trực Ninh

08:04, 03/04/2013

Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới rộng thênh thang vừa được hoàn thành vào cuối năm 2012, đồng chí Phạm Minh Đức, Bí thư Chi bộ xóm 10, làng Phú Mỹ, xã Trực Hưng (Trực Ninh) phấn khởi cho biết: Chỉ sau 2 năm xây dựng NTM, quê hương Phú Mỹ đã có nhiều đổi mới. Đường làng, ngõ xóm từ lầy lội nay đã phong quang, sạch đẹp. Đường ra đồng mở rộng thuận lợi cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Sau DĐĐT có điều kiện tổ chức lại sản xuất, nhiều hộ đã phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Làng Phú Mỹ gồm hai xóm 9 và 10, với 250 hộ dân, trên 700 khẩu. Triển khai xây dựng NTM, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong làng đã tích cực tham gia DĐĐT, hiến đất, đóng góp kinh phí và tranh thủ sự ủng hộ của con em quê hương ở xa để xây dựng hệ thống giao thông quanh làng, cải tạo kênh mương, làm đường nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Sau 2 năm triển khai xây dựng NTM làng Phú Mỹ đã xây dựng xong 2 tuyến giao thông chính dài 1km, rộng 3m, đổ bê tông dày 15cm; 5 tuyến đường trục giữa làng dài khoảng 1km, mặt đường rộng 2,2-2,5m, bê tông dày 12cm với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; đắp 2km đường ra đồng, mặt đường rộng 3m để phục vụ cho việc cơ giới hóa sản xuất; xây dựng nhà văn hóa của làng rộng 150m2 trị giá gần 1 tỷ đồng…

Sau 2 năm triển khai xây dựng NTM, đường giao thông, Nhà văn hóa làng Phú Mỹ, xã Trực Hưng khang trang, sạch đẹp.
Sau 2 năm triển khai xây dựng NTM, đường giao thông, Nhà văn hóa làng Phú Mỹ, xã Trực Hưng khang trang, sạch đẹp.

Niềm vui của nhân dân làng Phú Mỹ cũng là niềm vui chung của nhân dân huyện Trực Ninh, nhất là các xã được chọn triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 gồm: Trực Hùng, Trực Đại, Trực Thanh, Trực Hưng, Việt Hùng, Trung Đông và Trực Nội. Đến nay, cả 387 thôn, xóm trong huyện đã hoàn thành việc giao đất thực địa cho các hộ dân, đạt mục tiêu của DĐĐT là gọn vùng quỹ đất công, giảm số thửa từ 3,16 thửa/hộ xuống còn 1,75 thửa/hộ; nhiều xóm bình quân chỉ còn 1 thửa/hộ. Kết hợp DĐĐT với chỉnh trang ruộng đồng, toàn huyện đã đào đắp được gần 700 nghìn m3 kênh và bờ vùng bờ thửa; cứng hóa 70km đường ra đồng, mặt đường rộng từ 2,5-4,5m. Trong năm 2012, huyện đã xây dựng 7 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 392ha, năng suất lúa tăng 15-20% so với gieo cấy đại trà. Vụ xuân năm 2013, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng 28 cánh đồng mẫu lớn, trong đó 27 cánh đồng cấy lúa, một cánh đồng trồng màu với tổng diện tích 1.200ha. Bên cạnh đó, nhân dân trong huyện đã hiến 300ha đất để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi xã hội. Riêng 7 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 của huyện đã hoàn thành 71 công trình hạ tầng nông thôn trị giá 164,7 tỷ đồng, bao gồm 2 trạm y tế, 3 trụ sở UBND, 4 chợ, 1 nhà văn hóa, 1 nhà máy nước, 5 bãi xử lý rác thải, 1 khu thể thao, 1 nghĩa trang, 113 phòng học; cải tạo, nâng cấp, làm mới 146,4km kênh mương, 35km đường giao thông. Trong triển khai xây dựng NTM, các cấp, các ngành trong huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức 49 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó 7 xã xây dựng NTM mở 14 lớp. Do các ngành nghề đào tạo đều phù hợp với yêu cầu thực tế của các địa phương nên 85% số người qua học nghề đã có việc làm ổn định. Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, các xã được chỉ đạo điểm đều tăng 3-6 tiêu chí. Trong đó, xã Trực Nội là xã điểm của tỉnh đạt 14 tiêu chí, xã Trực Hùng đạt 10 tiêu chí; các xã: Trung Đông, Việt Hùng, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Đại đều đạt 9-10 tiêu chí.

Đạt được kết quả trên là do huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp; sự chung sức, chung lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Trước khi triển khai chương trình xây dựng NTM, tổng số lao động nông nghiệp của huyện chiếm tới 68% dân số, phương thức sản xuất thủ công, ruộng đất manh mún. Triển khai xây dựng NTM, huyện đã khẩn trương rà soát, bổ sung, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thực hiện việc DĐĐT tạo điều kiện chỉnh trang đồng ruộng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong huyện đã tập trung chỉ đạo, nâng cao vai trò của các chi bộ thôn xóm, vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần dân chủ, hoàn thành nhanh nhất việc DĐĐT. Việc xây dựng đề án xây dựng NTM, thống kê quỹ đất, hiện trạng đất nông nghiệp để làm cơ sở lập phương án DĐĐT của các xã, thị trấn đều công khai, dân chủ, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình triển khai, nhiều cơ sở gặp vướng mắc đã được lãnh đạo huyện ủy, UBND và các cơ quan chức năng của huyện xuống tháo gỡ, đồng thời có thái độ kiên quyết với các đơn vị không thực hiện đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo DĐĐT huyện. Vì vậy, có xã phải xây dựng phương án DĐĐT tới 6 lần mới được Ban chỉ đạo DĐĐT huyện thông qua. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng cơ chế khuyến khích các địa phương triển khai nhanh, đúng công tác DĐĐT, các địa phương xây dựng được các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất, DĐĐT, huy động các nguồn lực xã hội, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Trong năm 2012, mặc dù ngân sách gặp nhiều khó khăn, UBND huyện đã hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện DĐĐT, khen thưởng các xã, thị trấn hoàn thành theo từng thời điểm với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Các công việc trong xây dựng NTM, nhất là việc huy động, sử dụng kinh phí do các tổ chức, cá nhân đóng góp đều được thực hiện công khai; người dân tự bàn, tự làm, tự kiểm tra các công việc. Theo thống kê, tổng số vốn huy động để xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt trên 385 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 48,7 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 32,7 tỷ đồng, vốn tín dụng 222,9 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp 80,9 tỷ đồng đều sử dụng đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua 2 năm xây dựng NTM ở Trực Ninh đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Cán bộ cơ sở nhiều nơi còn ngại khó, năng lực hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM của huyện. Ở một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước nên chưa chủ động huy động các nguồn vốn để xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường lãnh đạo phát động cán bộ và nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” gắn với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập; xây dựng công trình đường trục xã, trạm y tế, xây dựng bãi rác thải ở các khu dân cư…; phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đã đặt ra./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com