Đăng ký dự thi đại học: Xuất phát từ định hướng nghề nghiệp hay nhu cầu xã hội?

08:05, 17/05/2012

Mặc dù đã nộp hồ sơ dự thi đại học gần một tháng nay, nhưng em Nguyễn Thị Vân vẫn cảm thấy không thoải mái bởi em phải dự thi vào ngành học theo yêu cầu của bố mẹ. Với sức học tương đối đồng đều nhưng Vân thích học các môn khoa học xã hội hơn là các môn khoa học tự nhiên. Vì vậy khi bố mẹ yêu cầu em ôn thi khối A để thi vào Học viện Ngân hàng thì Vân vẫn âm thầm luyện thêm các môn xã hội với hy vọng gần đến ngày đăng ký dự thi, bố mẹ sẽ chuyển ý. Tuy nhiên, chỉ vì lý do “ngành Sư phạm Văn khó xin được việc làm”, em vẫn phải miễn cưỡng nộp hồ sơ theo ý bố mẹ, dù trong lòng vẫn chưa giải đáp được câu hỏi “liệu sau khi học xong em có hứng thú để làm công việc đã được học?”.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định thường xuyên đầu tư thiết bị thực hành với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định thường xuyên đầu tư thiết bị thực hành với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài.

Cũng giống như Vân, nhiều học sinh hiện nay đang đứng trước sức ép chọn trường, chọn nghề theo mong muốn của bố mẹ, hoặc không dám theo đuổi ngành học mình yêu thích bởi sợ ngành học đó khó xin được việc làm. Bên cạnh đó, nhiều học sinh nhận thức khá sai lệch khi cho rằng học kinh tế dễ “hái ra” tiền, làm giàu nhanh… nên chạy theo tâm lý đám đông. Theo thống kê của Sở GD và ĐT, năm 2011, toàn tỉnh có 59.317 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng, đại học, trong đó có 36.944 hồ sơ đăng ký dự thi ở khối A, 10.729 hồ sơ đăng ký vào khối B, 7.861 hồ sơ đăng ký vào khối D và chỉ có 2.160 hồ sơ đăng ký vào khối C và 1.623 hồ sơ đăng ký vào các khối năng khiếu. Năm 2012, tình trạng thí sinh đăng ký vào các khối khoa học xã hội vẫn tiếp tục giảm. Trong tổng số 52.231 hồ sơ đăng ký dự thi, có 29.456 hồ sơ đăng ký vào khối A, 1.586 hồ sơ đăng ký vào khối A1, 10.098 hồ sơ đăng ký vào khối B, 7.242 hồ sơ đăng ký vào khối D và chỉ có 2.095 hồ sơ đăng ký vào khối C, 1.754 hồ sơ đăng ký vào khối năng khiếu. Nhìn vào số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của riêng thí sinh tỉnh ta trong 2 năm qua có thể thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các ngành nghề và khối thi. Theo các chuyên gia về giáo dục, đây là hiện tượng vừa khủng hoảng thừa, vừa khủng hoảng thiếu trong một số lĩnh vực của giáo dục đại học hiện nay khi chịu những tác động của kinh tế thị trường. Thí sinh chen chân vào khối A, bởi các trường dự thi đều có những ngành học được coi là dễ xin việc, có thu nhập cao. Các trường cũng đua nhau đào tạo đa ngành, đa nghề trong đó có những trường lâu nay nổi tiếng với truyền thống đào tạo các ngành công nông, xã hội cũng chuyển hướng mở thêm các ngành kinh tế khi các ngành khoa học xã hội có sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc tuyển sinh. Nhiều ngành khoa học xã hội tuyển sinh khối C không đủ, đành phải tuyển cả thí sinh khối A, B… như Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định tuyển cả khối A cho 10 ngành học, hầu hết là các ngành khoa học xã hội - nhân văn. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tuyển sinh thêm khối A và B ở một số ngành như triết học, xã hội học, thư viện thông tin, tâm lý học. Thế nhưng thí sinh vẫn thờ ơ bởi nghĩ rằng các ngành này sẽ khó xin việc, lương thấp. Trong khi đó không ít ngành kinh tế đã bước vào giai đoạn bão hòa về nhu cầu nhân lực và có thể rơi vào khủng hoảng thừa ở các năm tới. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực cho thấy, 60% số sinh viên đang học chọn sai ngành học; chỉ có 5% số sinh viên hiểu rõ ngành mình đang học; khoảng 20% hiểu được sơ bộ ngành mình đang học; trên 70% sinh viên hoàn toàn không hiểu ngành mình đang học. Có không ít em sau khi học xong phải làm trái ngành hoặc phải đi học lại. Đây là một sự lãng phí trong xã hội, đòi hỏi công tác đào tạo gắn theo nhu cầu xã hội phải trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay ngành giáo dục vẫn chưa có một chính sách đồng bộ về phát triển nguồn nhân lực; chưa xác định được ngành nào còn đang thiếu cần có chính sách thu hút người học trong khi các trường hiện còn đang đào tạo dàn trải. Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc mất cân đối giữa các khối thi đại học, khi ngày càng ít thí sinh đăng ký dự thi vào khối khoa học xã hội một phần do cơ hội việc làm của các ngành học này hạn chế, chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu sức cạnh tranh. Hiện nay, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường đang bị bỏ trống hoặc mới chỉ làm qua loa. Hầu hết ở các trường THPT, mối quan tâm hàng đầu là làm thế nào để học sinh học khá giỏi, chăm ngoan và đỗ tốt nghiệp ngày càng cao, còn chuyện sau khi tốt nghiệp các em làm việc gì, học trường gì chưa được chú ý nhiều và cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nhận thức của học sinh và cha mẹ học sinh trong việc chọn khối thi, chọn ngành nghề còn nhiều phiến diện. Tâm lý chọn nghề của học sinh còn mang tính may rủi, thiếu thông tin hoặc theo sự áp đặt của cha mẹ, theo  trào lưu, tâm lý đám đông… mà không tính đến việc ngành nghề được chọn có phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân hay không. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng sư phạm chưa có chương trình đào tạo giáo viên về công tác hướng nghiệp nên các thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm ở các trường phổ thông phải kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp. Để làm tốt được công tác này đòi hỏi các giáo viên phải tự học để trang bị cho mình các tri thức và kỹ năng hướng nghiệp như kỹ năng trò chuyện, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quyết định vấn đề và các kỹ năng chẩn đoán xu hướng, khí chất, tính cách, năng lực nghề của học sinh; hướng dẫn học sinh thu thập và xử lý thông tin về yêu cầu của nghề, về thị trường lao động... từ đó đưa ra lời khuyên hợp lý cho học sinh.

Tình trạng mất cân đối trong các khối dự thi đại học, cao đẳng của học sinh đã khiến Bộ GD và ĐT giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành kinh tế xuống còn 32% tổng chỉ tiêu năm nay (trong 3 năm vừa qua, chỉ tiêu vào các ngành kinh tế chiếm tới 41%), bởi nếu không giảm chỉ tiêu và không có định hướng tốt về đào tạo, chỉ khoảng vài khóa học nữa, sinh viên các ngành kinh tế như: tài chính, quản trị kinh doanh, ngân hàng… ra trường sẽ khó tìm việc làm. Hiện tại, Bộ GD và ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp quy hoạch nguồn nhân lực, đồng thời gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực. Bộ GD và ĐT sẽ có kế hoạch thông báo thường xuyên để học sinh, sinh viên tham khảo, lựa chọn. Mặt khác ngành GD và ĐT cần tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh và sự chung tay quan tâm của các bộ, ngành khác để tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, nhất là các ngành khoa học xã hội để thu hút thí sinh dự thi vào các ngành này nhằm cân đối lại nguồn nhân lực của các địa phương cũng như trong cả nước./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com