Vì sao học sinh chưa mặn mà với thư viện trường học ?

08:01, 05/01/2012

Những năm qua, ngành GD và ĐT đã quan tâm đầu tư cho hệ thống thư viện các nhà trường nhằm góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường. Tuy nhiên đến nay, nhiều thư viện trường học chưa thu hút được nhiều học sinh đến tìm đọc.

Với nhiều đầu sách cùng sự phục vụ chu đáo của cán bộ thủ thư, Thư viện tỉnh luôn thu hút số lượng lớn độc giả ở lứa tuổi học sinh.
Với nhiều đầu sách cùng sự phục vụ chu đáo của cán bộ thủ thư, Thư viện tỉnh luôn thu hút số lượng lớn độc giả ở lứa tuổi học sinh.

Hiện nay toàn tỉnh có hàng trăm thư viện trường học đạt chuẩn quốc gia; riêng bậc tiểu học có gần 280 thư viện đạt chuẩn, đáp ứng được nhu cầu về sách, tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong nhà trường. Hàng năm, bên cạnh việc cung ứng các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại tạp chí… của Sở GD và ĐT, các trường đều tích cực đầu tư, bổ sung nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành phục vụ nhu cầu đọc sách của giáo viên và học sinh. Mỗi năm các trường học trong tỉnh quyên góp số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh con gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, không để học sinh đến trường thiếu sách học. Mặc dù vậy, thực tế hoạt động cho thấy nhiều thư viện trường học chưa tạo được lực hút đối với giáo viên và học sinh. Em Đặng Ngọc Anh, học sinh lớp 8 (TP Nam Định) cho biết: “Mặc dù trường em có thư viện nhưng em cũng như nhiều bạn khác chưa bao giờ đến mượn sách, bởi thời gian học trên lớp, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian trong ngày”. Em Nguyễn Thị Hồng, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Lộc cho biết: “Em rất ham đọc sách nhưng cũng ít khi vào thư viện trường vì thư viện trường còn ít tài liệu sách tham khảo, số đầu sách chỉ tập trung vào chủ đề liên quan đến môn học, khi cần sách, tài liệu tham khảo, em đều phải tự tìm mua hoặc mượn của bạn bè, tra cứu trên mạng internet...”. Ở bậc tiểu học, THCS vùng nông thôn, các em hầu như không có điều kiện được đọc những cuốn sách hay, những cuốn truyện bổ ích. Nhiều thư viện trường học có số đầu sách nhất định nhưng với diện tích nhỏ như phòng học thì với số lượng trung bình trên dưới 1.000 học sinh/trường, thư viện sẽ khó bố trí chỗ ngồi đọc sách cho học sinh. Nếu nhà trường bố trí luân phiên cho từng lớp đến thư viện đọc sách trong khi nhiều em không có thói quen đọc sách, sẽ gây ảnh hưởng đến các bạn xung quanh. Ở một số trường có không gian thư viện rộng, có nhiều đầu sách, nhưng nhiều em lại “ngại” làm các thủ tục. Mặt khác, hiện nay thời kỳ bùng nổ thông tin, các em có nhiều kênh, nhiều phương tiện tìm kiếm thông tin như: truyền hình, mạng internet… và một nguyên nhân nữa khiến thư viện không thu hút được nhiều giáo viên, học sinh đến đọc sách là do sự hạn chế đội ngũ thủ thư. Nhiều trường không tuyển được cán bộ thư viện chuyên trách do hết chỉ tiêu biên chế mà bố trí giáo viên kiêm nhiệm, nên việc đầu tư cho thư viện hạn chế, chất lượng hiệu quả không cao. Việc tổ chức mượn, trả và quản lý sách chưa tốt, các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách chưa thường xuyên; hoạt động thư viện còn mang tính hình thức…

Để phát huy vai trò của thư viện, các nhà trường cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, bảo đảm đủ sách báo, tài liệu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của giáo viên và học sinh; tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của thư viện tới các em học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cần có phòng thư viện thoáng mát, sạch sẽ và nhân viên thư viện chuyên trách, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi với nội dung kiến thức phù hợp với từng khối lớp có trong tài liệu của thư viện nhằm giới thiệu các loại sách, tài liệu tới học sinh và xây dựng văn hóa đọc để các em chủ động tìm đến sách mới phát huy được hiệu quả của thư viện trường học./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com