Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã

08:10, 06/10/2010

 

Cán bộ tư pháp huyện Vụ Bản trao đổi nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm.                                                                               Ảnh: Thu Hà
Cán bộ tư pháp huyện Vụ Bản trao đổi nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ảnh: Thu Hà

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở cơ sở, đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã có vai trò quan trọng. Ngoài việc tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện công chứng, chứng thực, đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Toàn tỉnh hiện có 240 cán bộ tư pháp hộ tịch ở 229 xã, phường, thị trấn; trong đó chỉ có 30 người có trình độ đại học, còn phần lớn là trình độ trung cấp ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Mặt khác, sau khi chuyển giao công tác chứng thực cấp xã theo Nghị định 79/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, thì khối lượng công việc chứng thực cấp xã và công tác hộ tịch đều tăng so với trước. Bên cạnh đó, cán bộ tư pháp hộ tịch phần lớn đều kiêm nhiệm chức danh phó trưởng công an xã, có nơi còn kiêm nhiệm cả cán bộ địa chính, cán bộ văn phòng UBND, công việc thường xuyên trong tình trạng quá tải nên dễ tiềm ẩn nguy cơ sai sót... Một thực tế nữa là cán bộ tư pháp hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn thường xuyên biến động do yêu cầu của công tác tổ chức cán bộ. Theo thống kê, sau đại hội Đảng bộ cấp xã vừa qua, có khoảng 15% cán bộ tư pháp hộ tịch được bố trí công việc khác như trưởng công an xã, phó chủ tịch xã. Trong khi đó công tác tuyển dụng cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã quy định chỉ nhận cán bộ có trình độ trung cấp Luật hệ chính quy. Công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ tư pháp hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Hàng năm, đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch chỉ được tập huấn từ 1 đến 2 lần...

Trước thực trạng trên, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cấp xã. Tại các buổi tập huấn, đã trang bị cho cán bộ tư pháp những kiến thức pháp luật cần thiết như: Luật Đất đai, Luật Dân sự, giải quyết chế độ chính sách... Phòng Tư pháp các huyện, thành phố trong các buổi giao ban hàng tháng, hàng quý đều chuyển giao kịp thời các văn bản pháp luật mới cho cán bộ tư pháp cập nhật, đồng thời kết hợp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới, kỹ năng giải quyết công việc, trả lời những khúc mắc còn bất cập của cán bộ tư pháp khi thực hiện công việc ở địa phương. Để chủ động khắc phục khó khăn do khối lượng công việc nhiều, một số địa phương đã tiếp nhận thêm lao động hợp đồng làm công tác tư pháp và trả lương bằng nguồn ngân sách xã. Nhờ đó, việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tư pháp ở một số xã đã đi vào nền nếp. Nhiều xã đã thực hiện nghiêm túc việc áp dụng cơ chế một cửa đối với hoạt động chứng thực, hộ tịch và chế độ làm việc ngày thứ 7 để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thời gian tới, ngành Tư pháp cần tham mưu với tỉnh tăng cường năng lực tư pháp cấp xã đủ về số lượng, thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, tận tình với công việc, chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đối với địa phương có dân số trên 10 nghìn dân, nên chăng bố trí thêm cán bộ tư pháp hộ tịch theo tinh thần Nghị định số 159 của Chính phủ. Hàng năm, duy trì thường xuyên việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới cho cán bộ công chức hộ tịch. Ngành Tư pháp cần tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ gắn với việc trau dồi đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng cho đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, để cán bộ tư pháp hộ tịch yên tâm công tác, ngành Tư pháp và các địa phương cần quan tâm giải quyết chế độ chính sách, mua sắm các trang thiết bị làm việc như: Máy vi tính, máy photocopy, tủ đựng tài liệu... để phục vụ tốt công việc. Các địa phương cũng cần quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch chi tiết để thuận lợi cho việc đào tạo dự nguồn; phấn đấu trong thời gian tới phải đảm bảo 100% cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã có trình độ trung cấp Luật./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com