Cuộc sống mới của người thợ dệt Thành Nam

08:10, 06/10/2010

TP Nam Định một thời được cả nước biết đến là một trung tâm của ngành dệt. Ở đó có những câu chuyện về nghề dệt và đời sống người thợ dệt. Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, Công ty dệt Nam Định nổi tiếng một thời đang có bước phát triển mới, người lao động yên tâm gắn bó với công việc mình lựa chọn.

Phân xưởng may, Tổng công ty cổ phần dệt, may Nam Định.
Phân xưởng may, Tổng công ty cổ phần dệt, may Nam Định.

Mỗi lần đi qua phố Tô Hiệu, nơi đóng "đại bản doanh" của Tổng công ty cổ phần dệt, may Nam Định (tiền thân là Công ty Dệt Nam Định), không riêng gì tôi mà những người dân gắn bó với thành phố luôn trào dâng cảm xúc bâng khuâng. Dẫu biết rằng thay đổi một tên gọi cũng đồng nghĩa với việc công ty đã chuyển sang hình thức làm ăn mới, phù hợp xu thế chung, nhưng dường như cái tên "Công ty Dệt Nam Định" vẫn không phai mờ trong ký ức người dân Thành Nam.

Nhắc đến những gì đã qua để thấy rằng việc ổn định công ăn việc làm, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người công nhân là trọng trách lớn lao của những cán bộ lãnh đạo Tổng công ty cổ phần dệt may Nam Định hiện nay. Đến nay sau một thời gian chuyển đổi sang Công ty TNHH Nhà nước một thành viên và hiện tại là Công ty cổ phần thì người lao động đã nhận thức sâu sắc vai trò người làm chủ. Trong tư thế vừa là lao động vừa là cổ đông, người công nhân hiểu rõ trách nhiệm của mình trong cả một tập thể để cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của công ty. Lãnh đạo Tổng công ty cho biết: Mặc dù đã cổ phần hóa, song với đặc thù của ngành dệt may Nam Định, Nhà nước đang nắm giữ 53% cổ phần, Tổng công ty vẫn giữ được tính chất của doanh nghiệp Nhà nước, cho nên hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là tổ chức công đoàn được duy trì, phát huy hiệu quả, bảo đảm lợi ích cho người lao động.

Thăm hai khu ký túc xá dành cho người lao động ở đường Hoàng Hoa Thám, đường Trần Phú nằm cận kề trụ sở Tổng công ty, chúng tôi thấy công trình hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thuê nhà đang trở nên bức thiết của nhiều công nhân hiện nay. Trao đổi với các bạn trẻ đến từ tỉnh Hà Nam, Hòa Bình mới thấy được tình cảm chân thành dành cho công ty. Nguyễn Thị Tâm, 21 tuổi ở Hòa Bình đã có gần ba năm làm việc tại đây "bật mí": Từ năm 2006 đến nay, sau giờ làm việc nhiều công nhân trẻ như chúng em được tạo điều kiện theo học các lớp bổ túc văn hóa ngay tại công ty để nâng cao trình độ. Tổ chức công đoàn trực tiếp đảm trách rồi thuê giáo viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố đến dạy, tiền học phí chưa đến 30 nghìn đồng/tháng, đến thời điểm này đã có hơn 120 công nhân như Tâm theo khóa học.

Trên đường xuống phân xưởng dệt 2, tôi được nghe những người thợ kể về việc xây dựng "quỹ tương tế" do Tổng công ty khởi xướng cách đây chục năm. Mỗi tháng, mỗi công nhân chỉ đóng hai nghìn đồng, toàn Tổng công ty có hơn bốn nghìn người, như vậy đã chủ động được chút ít kinh phí trợ cấp cho công nhân đau, ốm hay gia đình gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Công đoàn còn tạo điều kiện cho công nhân tham gia dự án vay vốn của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Vài ba năm trở lại đây, năm cao nhất nguồn quỹ lên tới 1,3 tỷ đồng, còn trung bình cũng gần 600 triệu đồng. Tính ra đã có hàng nghìn lượt người được vay vốn, định mức vay thay đổi theo từng năm, trước đây mỗi người chỉ được vay một triệu đồng, sau tăng lên hai triệu đồng, ba triệu đồng và nay là năm triệu đồng/người, trả trong hai năm. Theo đánh giá của Ban điều hành dự án, công nhân dệt may sử dụng vốn vay phát huy hiệu quả, trả gốc và lãi đúng kỳ hạn quy định. 

Nghề dệt may luôn có những thăng trầm, trong quá khứ không xa, nơi đây từng xảy ra tình trạng thừa lao động. Con số 126 tỷ đồng để giải quyết chế độ cho lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP của Chính phủ được lãnh đạo Tổng công ty coi là kỷ lục của ngành dệt may. Nhưng hiện nay thì trái ngược hẳn, nhiều nhà máy thành viên của Tổng công ty lại luôn thấp thỏm vì thiếu lao động, đã có thời điểm đơn vị phải nhận cả những lao động không có tay nghề  rồi đào tạo miễn phí kèm theo việc hỗ trợ một bữa cơm công nghiệp tại nhà máy cho tới khi thực hành rồi làm thành thạo trong dây chuyền.

Tiếp bước truyền thống năm xưa, lớp công nhân trẻ hôm nay thừa hưởng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và sáng tạo nhiều sản phẩm may mặc phong phú, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

Bài và ảnh:  Mai Tú
(Nguồn: Báo Nhân Dân)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com