Điểm tựa tài chính tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế

08:07, 20/07/2022

Cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng chính sách có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Chương trình đã kịp thời tiếp vốn cho các hộ mới thoát nghèo có nguồn lực tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững… Với mục tiêu không để hộ mới thoát nghèo nào thiếu vốn, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu về vay vốn, kịp thời tiếp sức cho hộ vay thoát nghèo vững chắc.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Trần Văn Toản, xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) phát triển nghề sản xuất hàng giỏ, lẵng hoa tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Trần Văn Toản, xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) phát triển nghề sản xuất hàng giỏ, lẵng hoa tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Ngay từ đầu năm 2022, Chi nhánh đã chủ động phối hợp với Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 418-CV/TU ngày 15-11-2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 26-8-2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW. Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của  Ngân hàng CSXH, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận ủy thác địa phương. 6 tháng đầu năm 2022, ngân sách tỉnh đã bổ sung nguồn vốn uỷ thác 15 tỷ đồng, các huyện, thành phố bổ sung 4,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi nhánh thực hiện phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn kịp thời giữa các địa bàn, giữa các chương trình theo đúng quy định của Ngân hàng CSXH Việt Nam, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được sử dụng triệt để, tạo điều kiện thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nguồn vốn được giải ngân nhanh giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận uỷ thác và các cơ quan liên quan phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. 215 điểm giao dịch xã tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng và hiệu quả, luôn đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch COVID-19 để người dân đến giao dịch an toàn, thực hiện tốt phương châm “Phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng chính sách của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội. Ngoài ra, thông qua các phiên giao dịch, Ngân hàng CSXH tổ chức họp giao ban với các đơn vị nhận ủy thác cấp xã và tổ tiết kiệm và vay vốn, chủ tịch UBND xã tham dự và chỉ đạo, mọi vướng mắc phát sinh được giải quyết tháo gỡ kịp thời. 

Cùng cán bộ chính sách chúng tôi đến gia đình bà Cao Thị Thêm, ở xóm Ba Đê, xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng). Chỉ trong vòng 4 năm từ năm 2018 đến nay, với trợ lực từ vốn tín dụng chính sách, kinh tế của gia đình bà đã vươn lên mạnh mẽ, từ hộ cận nghèo trở thành hộ khá trong xã. Bà Thêm chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình thuần nông, quanh năm bám ruộng, bám vườn, nhà lại đông con (6 người con) nên cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Năm 2018, gia đình tôi qua bình xét thuộc diện hộ cận nghèo. Được Ngân hàng CSXH huyện quan tâm, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng cộng với chút vốn ít ỏi đã dành dụm được, gia đình tôi quyết định đầu tư nuôi lợn”. Từ chăn nuôi lợn, gia đình bà Thêm đã từng bước gây dựng và vươn lên ổn định được kinh tế để tái đầu tư. Năm 2021, gia đình bà Thêm đã thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Lúc đó, gia đình bà lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguồn lực để có vốn tái đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình. May mắn thay, Ngân hàng CSXH huyện thông báo triển khai tăng hạn mức chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên tới 100 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, gia đình bà đã được vay 99 triệu đồng từ chương trình. Có được vốn, gia đình bà đã mở rộng trang trại lên diện tích 720m2, đầu tư xây dựng 8 ô chuồng, mỗi chuồng 30 con kết hợp với chăn thả vịt. Đến nay, trang trại của gia đình đã phát triển mạnh với 130-150 con lợn thịt; 1.200 con vịt đẻ. Mỗi năm, trang trại của bà xuất bán ra thị trường 3-4 lứa lợn, 700-1.000 quả trứng vịt/ngày. Ngoài chăn nuôi, bà còn chăm chỉ cấy thêm 3 mẫu lúa. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi từ 180-200 triệu đồng. Với số tiền này, bà đã dễ dàng trang trải cuộc sống gia đình, sửa sang lại căn nhà cũ, nuôi con ăn học và tiếp tục tái đầu tư cho trang trại. Bà Thêm chia sẻ: “Có thể nói, vốn tín dụng chính sách là “chìa khoá” giúp gia đình tôi mở cánh cửa thoát nghèo bền vững. Không có vốn tín dụng đồng hành cùng gia đình trong suốt thời gian qua, chúng tôi sẽ mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy nghèo - cận nghèo - tái nghèo vì thiếu vốn”. Hiện tại, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo tại huyện Nghĩa Hưng là 132 tỷ 861 triệu đồng với 1.893 khách hàng còn dư nợ. Đây cũng là chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao của huyện kể từ khi triển khai vào năm 2015. Qua 5 năm thực hiện cho vay hộ mới thoát nghèo, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho trên 4.300 khách hàng với số tiền gần 240 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại Chi nhánh đạt 732 tỷ 797 triệu đồng với 12.166 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 131 tỷ 817 triệu đồng với 1.801 khách hàng được vay vốn.

Với sự hỗ trợ đắc lực từ vốn Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, mỗi năm Nam Định chắc chắn sẽ có hàng nghìn hộ mới thoát nghèo thêm điểm tựa tài chính vững chắc để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các tháng cuối năm 2022, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách và các nội dung theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2022 theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng tập trung cân đối nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho phát triển kinh tế gia đình, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đồng thời, đề nghị xem xét tăng thời gian đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo lên tối đa là năm năm; kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm. Với sự điều chỉnh này sẽ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân mới thoát nghèo./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com