Tăng cường các biện pháp kiểm soát lạm phát

07:07, 19/07/2022

Nhận định diễn biến giá một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao gây sức ép đến mặt bằng giá cả thị trường, ngay từ đầu năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh chủ động đẩy mạnh.

Trong đó, đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Chú trọng thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định; các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp, người dân tăng cường các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng (xăng dầu, điện...) nhằm tiết giảm chi phí đầu vào sản phẩm, giảm chi phí xã hội, thúc đẩy bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu sản xuất hợp lý khi giá cả leo thang “ăn theo” giá xăng dầu. Sáu tháng đầu năm 2022, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh khởi sắc với tất cả các ngành đều tăng trưởng; đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dần sôi động trở lại với mức tăng 6,97%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 29.404 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.341 triệu USD, tăng 13,3%; trị giá hàng hóa nhập khẩu ước đạt 814 triệu USD, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu ước tính 527 triệu USD. Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh, với mức tăng 14,69% so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là chế biến, chế tạo tăng mạnh; một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh như sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, dệt, sản xuất đồ uống, sản xuất thiết bị điện… duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật; ngành chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng ngành Nông nghiệp đã tăng cường hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả. Nhờ đó, kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt khá: Năng suất các loại cây trồng vụ đông xuân tương đương và cao hơn so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát.

Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa là biện pháp hiệu quả góp phần giúp các ngành, các địa phương kiểm soát lạm phát.
Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa là biện pháp hiệu quả góp phần giúp các ngành, các địa phương kiểm soát lạm phát.

Việc thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đã góp phần quan trọng làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, giúp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đặc biệt, việc chủ động nguồn cung ứng dồi dào, giữ bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh, do có những giải pháp kịp thời trên nên diễn biến chỉ số giá tiêu dùng  của tỉnh (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22-6-2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13-6-2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng và Văn bản số 5079/BTC-QLG ngày 2-6-2022 của Bộ Tài chính; đồng thời căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát sát với thực tế. 

Trong đó, các sở, ban, ngành, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để kịp thời tham mưu cụ thể các biện pháp điều hành sản xuất, điều hoà, cân đối cung cầu hàng hoá tương thích. Sở Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá theo quy định của Luật Giá, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 7-1-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý giá trên địa bàn tỉnh; cập nhật kịp thời và đầy đủ diễn biến tình hình giá cả thị trường; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố để kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu, đề xuất tỉnh trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành giá những tháng còn lại năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Các ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường; kịp thời xử lý các sai phạm về giá nhằm giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đặc biệt, các ngành phải lưu ý kiểm soát thị trường, đảm bảo các quy định về giá của một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu gồm: giá xăng dầu, giá cước vận tải, giá vật liệu xây dựng, giá vật tư nông nghiệp, giá mặt hàng thịt lợn. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá hàng hoá dịch vụ, nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả. Đặc biệt, các sở, ngành, các địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hoá, dịch vụ./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com