Khắc phục "bão giá" để phát triển chăn nuôi

08:07, 19/07/2022

Năm 2022, ngành chăn nuôi tập trung phấn đấu giá trị sản xuất tăng từ 3-3,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt 198.089 tấn; thịt trâu, bò 4.060 tấn; các loại thịt khác 9.240 tấn. Các loại dịch bệnh nguy hiểm được giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời trong khoảng thời gian 3-5 ngày, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng. Tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80% tổng đàn. Tuy nhiên hiện nay, người chăn nuôi đang gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng và thiếu mặt bằng sản xuất. Vì thế rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng để người chăn nuôi vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành mục tiêu đề ra.

Ông Hà Văn Tuấn, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Trực Thái (Trực Ninh) không khỏi lo lắng trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá lợn hơi không tăng.
Ông Hà Văn Tuấn, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Trực Thái (Trực Ninh) không khỏi lo lắng trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá lợn hơi không tăng.

Hiện nay, thời tiết mưa nắng thay đổi thất thường, biên độ dao động nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá lớn… nên các loại mầm bệnh nguy hiểm trên động vật tồn tại ngoài môi trường, nguy cơ bùng phát rất cao, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh; nhận thức của người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng giấu dịch, tự ý điều trị, bán chạy lợn bệnh; một số hộ chưa chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: chưa thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng còn làm qua loa, hình thức; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch còn chậm... Công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn bất cập do hệ thống giao thông phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, thiếu nhân lực để tham gia trực chốt kiểm dịch. Từ đầu năm đến nay, các đại lý đã có 5, 6 lần điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi; mỗi lần tăng từ 10-15 nghìn đồng/bao, đẩy giá thức ăn từ 250 nghìn đồng lên 320 nghìn đồng/bao (loại 25kg). Điều đáng buồn cho người chăn nuôi là chi phí đầu tư tăng nhưng giá bán lợn, gà, vịt lại không tăng, thậm chí còn giảm, khiến người nuôi không còn lợi nhuận. Giá thức ăn tăng cao cùng với giá lợn hơi giảm đã khiến tình hình tái đàn của bà con gặp nhiều khó khăn. Để “cầm cự” trong điều kiện khó khăn này, nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi đã phải giảm số lượng lợn thịt. Nhiều hộ đã chuyển sang tự sản xuất cám hỗn hợp với giá thành rẻ hơn so với giá thị trường khoảng 30-40 nghìn đồng/bao, góp phần giảm chi phí đầu tư. 

Không chỉ chăn nuôi lợn, đàn gia cầm cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề của giá thức ăn tăng cao và dịch COVID-19 khiến đầu ra gặp khó. Việc giá thức ăn tăng đồng loạt đã tác động không nhỏ đến kinh tế của các hộ chăn nuôi. Theo tính toán với giá thức ăn tăng cao như hiện nay thì người dân nuôi sẽ không có lãi khiến người chăn nuôi phải thận trọng hơn nhiều. Ông Lương Đức Chiến, xã Kim Thái (Vụ Bản) cho biết: Mấy tháng nay, giá lợn hơi vẫn giữ mức 50-55 nghìn đồng/kg, nhưng giá thức ăn tăng liên tục nên nhiều hộ chăn nuôi lo lắng. Trước đó, ai cũng tranh thủ phát triển thêm đàn lợn với hy vọng sẽ có lãi trong đợt này. Gia đình tôi mới nuôi thêm 5 con lợn nái để gây đàn. Thế nhưng giá thức ăn tăng cao nên gia đình lo lỗ vốn, giờ chỉ nấu cám cho lợn ăn cầm chừng. Theo các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, các công ty sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi báo tăng giá là do hầu hết các mặt hàng nguyên liệu đầu vào để chế biến thức ăn tăng mạnh. Hơn nữa, ảnh hưởng của dịch bệnh và giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến cho việc vận chuyển gặp khó khăn, phí vận chuyển tăng 200-300% so với mức bình thường. Đặc biệt, hiện nay việc bố trí đất cho chăn nuôi quy mô trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi và việc hỗ trợ di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư ra vùng quy hoạch còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2021, chăn nuôi đóng góp trên 33% tỷ trọng cơ cấu giá trị nội ngành Nông nghiệp, chỉ sau trồng trọt. Tuy nhiên trong các quy hoạch đất đai của tỉnh đến thời điểm này vẫn chưa có quy hoạch dành đất cho phát triển chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, trong khi yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống là rất lớn.

Để bảo đảm phát triển chăn nuôi an toàn, người nuôi cần thực hiện tái đàn vật nuôi trên cơ sở bảo đảm các yếu tố phòng dịch để hạn chế rủi ro, thiệt hại. Theo chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chủ động phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, nhất là các hộ chăn nuôi để hỗ trợ, hướng dẫn bà con áp dụng hiệu quả các biện pháp chăn nuôi, phòng dịch bảo đảm chăn nuôi an toàn, hiệu quả bền vững. Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nội dung Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 14-6-2021 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng có liên quan về Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm; biện pháp an toàn thực phẩm và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi, chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ; nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các biện pháp phòng, chống dịch; các quy định về thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Tổ chức triển khai các nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra Nhà nước về chăn nuôi theo kế hoạch đã được phê duyệt. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường chăn nuôi; thực hiện kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi theo quy định với chính quyền địa phương. Tiếp tục tham mưu triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm trong chăn nuôi lợn, gia cầm; khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi… Tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh động vật tại các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng. Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn, nhất là vận chuyển động vật để chăn nuôi; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; tổ chức triển khai, thực hiện tốt đợt tiêm phòng vắc-xin, các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ; xử lý tốt chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com