Nghề sản xuất dép nhựa ở Mỹ Hưng

08:06, 24/06/2022

Xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) có 10 xóm với hơn 2.200 hộ dân. Từ nhiều năm nay, ngoài nghề mây tre đan truyền thống, nhiều hộ dân phát triển nghề sản xuất dép nhựa, ủng nhựa… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhân viên cơ sở giày dép Hải Yến của ông Đặng Đình Chanh, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) đóng gói sản phẩm.
Nhân viên cơ sở giày dép Hải Yến của ông Đặng Đình Chanh, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) đóng gói sản phẩm.

Trên địa bàn xã hiện có khoảng chục hộ sản xuất dép nhựa các loại, thu hút gần 200 lao động với thu nhập trung bình từ 5-8 triệu đồng/người/tháng tùy theo công việc. Nhiều hộ sản xuất dép nhựa quy mô lớn như các ông: Hoàng Văn Miễn, Đặng Đình Chanh, Đặng Thanh Lịch, Đặng Đình Linh… Trong khu bày bán, đóng gói sản phẩm rộng hàng trăm m2 nằm trên Quốc lộ 21, ông Đặng Đình Chanh, chủ cơ sở sản xuất giày, dép Hải Yến cùng hàng chục công nhân đang miệt mài với công đoạn phân loại, đóng gói theo đơn hàng. Trước kia, ông Chanh làm nghề thu gom phế liệu. Thấy nhiều cơ sở thu mua phế liệu về để tái chế các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có dép nhựa nên ông đã quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh. Ông đi khắp nơi để thu mua phế liệu và học hỏi về công nghệ sản xuất, tạo khuôn dép..., sau đó bắt tay sản xuất những mẫu dép phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Khi những mẫu dép đầu tiên ra đời, khách hàng là những người dân trong xóm. Họ đã rất vui và bất ngờ vì những chai, lọ nhựa họ bỏ đi hàng ngày tưởng chừng không thể phân hủy nay đã được tái chế thành những đôi dép nhựa đẹp mà giá thành lại rẻ. Trong quá trình sản xuất, ngoài học hỏi qua các kênh thông tin, qua bạn bè, ông luôn quan tâm đến sự góp ý của khách hàng. Ông điều chỉnh lại quy trình sản xuất các bước và cứ như thế khách hàng cảm nhận sự thay đổi mẫu mã và các quy chuẩn nên từ đó tin cậy dùng sản phẩm. Khi đi giao hàng các tỉnh ông luôn hỏi khách hàng có hài lòng hay chưa ở điểm nào và ghi nhận những ý kiến và về đưa ra giải pháp thích hợp. Ông Chanh chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi phải đi rất nhiều nơi để chào bán sản phẩm, nhưng sau này khách quen mối toàn tự tìm đến đặt hàng. Do thị trường tiêu thụ tốt cùng với chữ tín trong công việc nên sản xuất dép nhựa từ gia đình dần dần đi vào ổn định. Tôi không phải tự đi thu mua phế liệu nữa mà ký hợp đồng thu gom tại nhà, trở thành cơ sở quen thuộc của các điểm thu gom phế liệu trong tỉnh. Dần dần nhiều nhà trong làng thấy nghề có tiềm năng nên cũng chuyển sang làm dép nhựa. Khoa học công nghệ giúp cho việc sản xuất dễ dàng hơn. Trước kia, mọi công đoạn đều làm thủ công nên năng suất khá thấp, thu nhập không đáng bao nhiêu. Bây giờ, nhiều công đoạn đã được làm bằng máy nên một năm bán được vài nghìn đôi dép là chuyện thường”. Hiện tại, gia đình ông đã đầu tư nâng cấp 10 dây chuyền sản xuất dép nhựa hoàn toàn tự động với mức đầu tư hơn 1,4-1,5 tỷ đồng/máy. Toàn bộ quy trình sản xuất dép nhựa được tự động hóa, sử dụng bảng điều khiển điện tử để điều chỉnh nhiệt độ cũng như ép dập khuôn thành phẩm. Nguyên liệu từ nhựa phế thải được thay thế bằng nhựa hạt nguyên chất, thân thiện với môi trường. Trước đây, giày dép rất ít mẫu mã nên các cơ sở sản xuất có thể sản xuất hàng loạt rồi trữ bán nhưng hiện nay mẫu mã vô cùng phong phú và theo trào lưu, chỉ cần qua mùa, qua trào lưu thì sản phẩm sẽ thành hàng tồn kho; do vậy, buộc các cơ sở phải nắm được thị hiếu của khách hàng.

Để khắc phục những khó khăn đó, ông Chanh tập trung vào thị trường nội địa với các sản phẩm có giá cả mềm hơn, kiểu dáng đa dạng hơn từ dép tổ ong, quai hậu, dép xỏ ngón, ủng bảo hộ… Ông Chanh cho biết thêm: “Mỗi lần đi ra đường, thấy nhiều người sử dụng giày, dép của cơ sở mình tôi lại rất vui lại càng muốn chăm chút nhiều hơn để sản phẩm của mình ngày càng có chất lượng”. Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cơ sở của ông Chanh còn tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động. Chị Trần Thị Thơ, nhân viên của cơ sở cho biết: “Tôi làm ở cơ sở giày dép Hải Yến của ông Chanh được 5 năm. Công việc chính hàng ngày của tôi là đóng gói sản phẩm. Từ ngày làm việc tại đây, tôi có nguồn thu nhập ổn định hơn, đủ để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày”.

Cơ sở sản xuất dép tổ ong, ủng nhựa của anh Hoàng Văn Miễn ở xóm 4 hiện có hơn 20 công nhân lao động. Trung bình mỗi nhân công có thu nhập từ 150-350 nghìn đồng/ngày tùy công việc. Cứ mỗi ngày cơ sở sản xuất được khoảng 500 đôi ủng, 500 đôi dép. Sau hàng chục năm được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa, dép tổ ong hiện vẫn là một trong những mẫu sản phẩm bán chạy. Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh của hàng trăm ngàn mẫu giày dép nội, ngoại nhập khác, mục đích sử dụng của người dùng dành cho dép tổ ong đã thu hẹp. Hiện loại này chỉ còn được dùng phổ biến ở nông thôn, để đi trong nhà của các gia đình thành thị, trong các khách sạn, bệnh viện... và dép bảo hộ lao động. 

Nghề sản xuất dép nhựa ở Mỹ Hưng đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thời gian qua, xã đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia các chương trình chuyển giao công nghệ mới nhằm bảo môi trường trong quá trình sản xuất, đưa nghề phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com