Phát triển sản xuất lúa gạo sạch, bền vững

07:06, 22/06/2022

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng sạch, hữu cơ, an toàn… Từ đó, không chỉ tạo được nguồn nông sản hàng hóa sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mà còn góp phần nâng cao chất lượng và giá trị, thương hiệu lúa gạo Nam Định trên thị trường.

Các sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng (ảnh 1); Thu hoạch lúa vụ xuân 2022 tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực (ảnh 2).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thu hoạch lúa vụ xuân 2022 tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực.

Trong các năm 2020, 2021, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT) đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nguyễn Xá, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) và xã Liêm Hải (Trực Ninh). Trước khi vào vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông đã tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ cho các hộ nông dân tham gia mô hình nhằm giúp các hộ nắm chắc và hiểu rõ sản xuất hữu cơ khác với sản xuất đại trà ở những khâu kỹ thuật nào. Theo đó, các hộ nông dân sử dụng 100% phân bón hữu cơ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi, đất đai được cải tạo tốt hơn, lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo có cá, ốc, cua đồng… cùng sinh sống trên ruộng lúa. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân hóa học để vừa bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Theo hạch toán của 2 mô hình, về mặt kinh tế sản xuất lúa hữu cơ cho hiệu quả cao hơn 10-15% so với sản xuất đại trà. Đồng chí Trần Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nguyễn Xá cho biết: Không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn giúp nông dân nâng cao ý thức chấp hành quy trình kỹ thuật, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm cuối cùng theo hướng sạch. Đồng thời hạn chế tuyệt đối tình trạng vứt vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng bừa bãi ngay tại đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng.

Một trong những đơn vị tiên phong sản xuất gạo hữu cơ ở tỉnh ta là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Toàn Thắng, xã Hải Toàn (Hải Hậu). Từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Bộ NN và PTNT), HTX đã tổ chức vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ có quy mô 10ha với các loại gạo đặc sản như Tám xoan, Nếp bắc. HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ như: không bón phân, phun thuốc hoá học; chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân xanh tự ủ để bón cho lúa trong các thời kỳ sinh trưởng và phát triển. Kể cả phòng trừ sâu bệnh cũng được “hữu cơ hóa” bằng tự chế từ các hợp chất vi sinh tự nhiên để diệt sâu bệnh nhưng không diệt thiên địch như: vôi bột, tỏi, ớt, dấm… thay cho thuốc BVTV hóa học. Công nghệ sản xuất dân dã nhưng “mới” và “sạch” đã tạo ra thương hiệu gạo hữu cơ uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện HTX đã được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ thành lập Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Hải Hậu Organic; xây dựng thương hiệu gạo Tám xoan bao tử sản xuất theo quy trình hữu cơ; đăng ký chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, làm bao bì nhãn mác. Sản phẩm “Gạo Tám xoan bao tử” của HTX đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng gạo sạch ngày càng gia tăng, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nghĩa Bình, xã Nghĩa  Bình (Nghĩa Hưng) đã xây dựng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha với gần 150 hộ nông dân tham gia. Các thành viên HTX đều hưởng ứng, đồng thuận thực hiện theo quy trình VietGAP từ khâu chọn giống phù hợp thổ nhưỡng đến nguồn nước, thuốc BVTV giúp cây lúa Nghĩa Bình không những cho năng suất cao mà còn đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, các sản phẩm “Gạo Nếp bắc Nghĩa Bình”, “Gạo Huyết rồng hữu cơ” đã được đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và được mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Theo hạch toán của các hộ nông dân, mỗi ha tham gia liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn 25-30 triệu đồng so với sản xuất cùng giống ngoài đại trà.

Các sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng (ảnh 1); Thu hoạch lúa vụ xuân 2022 tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực (ảnh 2). Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Các sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng.

Từ lâu nay, nông dân trong tỉnh vẫn có thói quen sản xuất lúa gạo theo tập quán thâm canh truyền thống, lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến chất đất, nước, môi trường sống trong vùng sản xuất. Hàng năm, các sở, ngành chức năng cùng các địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền bà con tăng cường thực hiện các giải pháp cải tạo đất, tiến tới sản xuất nông sản an toàn, từng bước nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Đồng thời tập trung khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến cùng với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Toàn tỉnh đã phát triển được 15 cơ sở đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo có công suất từ 4-40 nghìn tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hơn các mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng sạch, an toàn; đưa gạo Nam Định khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các hộ sản xuất, HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng theo hướng hữu cơ bền vững, ngành chức năng và các địa phương cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia làm nông nghiệp hữu cơ; đầu tư đồng bộ từ việc nâng cao nhận thức cho người sản xuất, HTX tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thực hành sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản có lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của địa phương; phát triển thị trường ổn định, bền vững… Từ đó, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nông sản của tỉnh và thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo sạch, an toàn theo chuỗi sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp cho người nông dân không “quay lưng” với cây lúa; thực sự đẩy mạnh mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất kinh doanh lúa gạo. Đây tiếp tục được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần tập trung thực hiện trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com