Ngành Xây dựng chủ động các phương án phòng chống thiên tai

08:05, 30/05/2022

Với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè, cống, các công trình, vật kiến trúc, đặc biệt là các tuyến đê trọng điểm đã được xác định qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng trước mùa mưa bão; bảo vệ sản xuất, môi trường sinh thái, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2022, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản, an toàn công trình trong mùa bão, lũ.

Nhà máy sản xuất đồ chơi của Công ty TNHH Đức Tín, xã Giao An (Giao Thuỷ) được xây dựng đảm bảo các yêu cầu phòng chống thiên tai.
Nhà máy sản xuất đồ chơi của Công ty TNHH Đức Tín, xã Giao An (Giao Thuỷ) được xây dựng đảm bảo các yêu cầu phòng chống thiên tai.

Kế hoạch PCTT và TKCN của ngành được xây dựng quán triệt theo phương châm phải được tiến hành chủ động và thường xuyên ngay từ khi chưa có thiên tai, đảm bảo ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”. Từ tháng 4-2022, Sở Xây dựng đã thành lập và kiện toàn bộ máy chỉ huy PCTT và TKCN của ngành chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch đầu tư mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng PCTT và TKCN để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai. Tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị hiện có; diễn tập ứng cứu và TKCN để nâng cao kỹ năng xử lý cho các lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách. Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT và TKCN tại các đơn vị trực thuộc trên địa bàn cơ sở. Xây dựng kế hoạch huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm khác để kịp thời ứng phó với thiên tai. Khi có tình huống thiên tai xảy ra thực hiện cắm biển báo, bố trí lực lượng nhằm hướng dẫn hoặc chủ động thực hiện việc hạn chế, cấm người và phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập, những nơi có dòng chảy xiết và các khu vực công trình xây dựng nguy hiểm khác. Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố; sẵn sàng triển khai phương án PCTT cho các công trình trọng điểm, công trình đang thi công. Công trình xây dựng có sử dụng tháp cẩu, công trình cao tầng; đảm bảo an toàn trong lắp đặt bồn, bể nước chế tạo sẵn cho nhà và công trình; phương án phòng, chống bão và khắc phục hậu quả đối với cây xanh đường phố, hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cấp nước sạch. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn.

Đối với những công trình đang thi công dở dang, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công phải kiểm tra, rà soát những vị trí nguy hiểm, có khả năng gây mất an toàn để có biện pháp kịp thời xử lý, khắc phục, bảo đảm an toàn cho người và công trình. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong thi công công trình; chú ý thiết kế biện pháp thi công, bố trí hệ thống giàn giáo, gia cố đảm bảo an toàn giàn giáo và các phương tiện, thiết bị thi công trước khi có gió bão. Thường xuyên kiểm tra công trường, bảo đảm các thiết bị làm việc trên cao như giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng... được liên kết chắc chắn với kết cấu công trình. Đặc biệt lưu ý công tác an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công. Nếu cần thiết phải tháo dỡ hoặc hạ thấp độ cao của các loại vật liệu, thiết bị. Đối với công trình đang sử dụng, yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý, sử dụng công trình tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành của công trình. Định kỳ kiểm tra các công trình xuống cấp, nguy hiểm, có phương án và kế hoạch sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cho sử dụng, chủ động triển khai các phương án phòng chống bão đảm bảo an toàn cho người và tài sản, có phương án sơ tán các hộ dân khỏi những căn nhà có nguy cơ sụp đổ do mưa bão, nước biển dâng, nước lũ đến nơi an toàn. Các hộ dân đang sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo Công ty Cổ phần Công trình đô thị Nam Định, UBND các phường, xã, thị trấn phải có kế hoạch cụ thể phòng chống đối với nhà nguy hiểm, phương án sơ tán dân khi mưa bão, gửi về Sở Xây dựng để phối hợp thực hiện. Tổ chức chằng, chống nhà cửa, kho tàng trước khi bão đổ bộ vào đất liền, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Duy trì thường xuyên liên tục lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đối với công trình nhà bán kiên cố, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố Nam Định và UBND cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn cách gia cố và phòng chống bão tới các khu dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản. Một số giải pháp neo giữ nhà cửa, phòng chống bão Sở Xây dựng đã hướng dẫn gửi tới các địa phương và đăng tải trên website của Sở (Soxaydung.namdinh.gov.vn). 

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng yêu cầu rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của các đô thị nhằm đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, đảm bảo chống ngập úng đô thị. Kiểm tra kế hoạch duy tu, bảo trì và nạo vét hệ thống tiêu thoát nước chính tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa, bão và có các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. Lập phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa khắc phục sự cố khi xảy ra mưa bão. Kiểm tra công tác quản lý đảm bảo lưu thông dòng chảy; đặc biệt là việc triển khai và kiểm soát thoát nước tại các lưu vực sông. Rà soát và kiểm tra các phương án, biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như hào kỹ thuật, tuynel, trạm biến áp, cột điện... khi xảy ra mưa bão./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com