Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ

08:05, 27/05/2022

Chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (TMDV) đang diễn ra nhanh chóng không chỉ bởi xu hướng chung mà còn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Để tạo động lực cho TMDV phát triển, bắt nhịp, hội nhập với thương mại thế giới, Sở Công Thương đã xây dựng chương trình CĐS toàn ngành, trong đó ưu tiên CĐS trong lĩnh vực TMDV.

Quản lý dữ liệu hàng hóa trên nền tảng số tại Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy).
Quản lý dữ liệu hàng hóa trên nền tảng số tại Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy).

Trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp và hàng chục nghìn cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xúc tiến thương mại, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), bước đầu CĐS hoạt động sản xuất kinh doạnh nên đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong đó, ngành Công Thương đã bám sát Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại của các địa phương trên cả nước để kịp thời thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, các nội dung quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các điều kiện gia nhập thị trường theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp dệt may của tỉnh tham gia khóa tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế ngành dệt may năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Canada (TFO Canada) tổ chức theo hình thức trực tuyến. Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh và tích cực cung cấp các dịch vụ hiện đại như: Đi chợ online, mua hàng qua ứng dụng, giao nhanh miễn phí... Nhiều doanh nghiệp lớn đã xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống siêu thị Go!, CoopMart, Vinmart, VinMart+, Minmart, Mediamart, Điện máy xanh, Thế giới di động, Thế giới sữa, hệ thống nhà thuốc Long Châu… là những đơn vị đi đầu CĐS trong khâu bán và chăm sóc khách hàng thành công nhờ áp dụng hệ thống các phần mềm bán hàng chuyên dụng, tạo thói quen mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người tiêu dùng. Với việc cập nhật, lưu thông tin, địa chỉ nhận hàng của khách hàng và hỗ trợ thanh toán online thông qua tài khoản ngân hàng đã liên kết... đã tạo sự tiện lợi, tin tưởng và gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp. 

Do đó, trong năm 2021, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 2,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm 2020; giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 60 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 19.419,1 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 16,1%. Để tạo đà cho CĐS trong lĩnh vực TMDV phát triển ổn định, rộng khắp ở cả khâu quản lý, bán hàng và các thành phần kinh tế, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế số. Trong đó tập trung ưu tiên lĩnh vực TMDV với những công việc cụ thể như: 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử. Tỷ trọng doanh thu TMĐT đạt 7% trong tổng mức bán lẻ; có 65-70% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính được phép khác. Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng, kiện toàn bộ máy thực hiện công tác quản lý Nhà nước, bộ phận chuyên trách thực hiện các hoạt động về TMĐT trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tự động hóa trong công tác quản lý, điều hành của tỉnh; tăng cường an toàn, an ninh mạng phù hợp với những yêu cầu của thời kỳ kinh tế số. Tập trung tuyên truyền, đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT, phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; hỗ trợ tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển TMĐT. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, phân phối sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP và sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông sản trên các nền tảng số. Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình CĐS.

Với sự hỗ trợ kịp thời của Sở Công Thương, các ngành chức năng, chính quyền địa phương; sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, CĐS trong lĩnh vực TMDV sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, thúc đẩy kinh tế số phát triển và góp phần quan trọng cho lộ trình CĐS của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com