Trực Ninh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

08:05, 30/05/2022

Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, giá xăng dầu, nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, huyện Trực Ninh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phục hồi, phát triển.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam, thị trấn Cát Thành.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam, thị trấn Cát Thành.

4 tháng đầu năm 2022, huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội như đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình: Đường Trực Đại - Trực Thái, đường Cổ Lễ - Trung Đông; khu dân cư tập trung các xã, thị trấn theo kế hoạch năm 2022; tập trung chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 21 mới và cầu Ninh Cường. Tích cực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với quy hoạch diện tích đất tại các xã, thị trấn và quy hoạch đường trục kinh tế theo các tuyến Quốc lộ 21, tỉnh lộ 488 và tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại các thị trấn Cổ Lễ, Cát Thành, Ninh Cường... để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 20-7-2021 của UBND tỉnh. Chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng, tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra vệ sinh ATTP. Quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của huyện xếp “top” đầu khối huyện, thành phố của tỉnh. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản như Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất rau, củ quả sạch Ngọc Anh... mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất, sử dụng công nghệ cao để nâng chất lượng, thương hiệu các nông sản chế biến. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp ở các làng nghề ươm tơ, dệt lụa ở Cự Trữ, Cổ Chất ở xã Phương Định và làng Dịch Diệp ở xã Trực Chính, thúc đẩy phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch.

Bên cạnh sự tích cực hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đều thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tiêu biểu là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu của huyện đã tích cực nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, bám sát và kịp thời chuyển hướng, tăng tốc sản xuất các nhóm sản phẩm, phân khúc sản phẩm mà người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu có nhu cầu sử dụng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19; tham gia nhiều chương trình kết nối, tìm kiếm thị trường mới, nhất là chương trình kết nối thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử trong nước cũng như tổ chức xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của huyện như Công ty TNHH Giầy AMARA Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất giầy tại thị trấn Cổ Lễ; Công ty TNHH Dream Plastic đầu tư dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại xã Trực Thái; Công ty TNHH Shin Myung First Vina đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông; Công ty TNHH Sung Won Vina và Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam đầu tư nhà máy may công nghiệp tại thị trấn Cát Thành đều tiếp tục đạt mức tăng trưởng mới và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ tiềm năng. Trên 500 doanh nghiệp cùng các cơ sở sản xuất kinh doanh của huyện đều cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định và có bước phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 46 nghìn lao động. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 của huyện đạt khoảng 2.222 tỷ đồng. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý, thực hiện các quy hoạch; đặc biệt là quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ ven các tuyến giao thông mới: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 488B, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, quy hoạch thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại các thị trấn Cổ Lễ, Cát Thành, Ninh Cường, các điểm tập trung dân cư theo hướng đô thị hóa và các quy hoạch xây dựng khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, kiểu mẫu. Huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư củng cố các tuyến đường trục xã, giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nâng cấp hệ thống điện lực, mạng lưới bưu chính viễn thông; nâng cấp hệ thống chợ nông thôn. Huyện tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư hướng vào các lĩnh vực chủ yếu, như: Dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận tải, bưu chính viễn thông, tín dụng, thương mại, văn hóa, du lịch. Đồng thời, các xã, thị trấn phải tăng cường nghiên cứu thực tế, áp dụng các giải pháp thiết thực để giải quyết các thực trạng bất cập trong phát triển công nghiệp tại địa bàn; chú trọng khắc phục tình trạng còn nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, ngành nghề nông thôn còn nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết trong sản xuất; quan tâm công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp cũng như thông qua những chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh trên thị trường; thiết thực giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bằng việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, huyện Trực Ninh hướng tới mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 13,5%/năm; thu nhập bình quân thực tế đầu người năm 2022 đạt 66 triệu đồng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com