Bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" của EC

08:04, 27/04/2022

Trong điều kiện hiện nay, việc tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch xây dựng, phát triển ngành thủy sản hiệu quả, bền vững mà còn góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản của tỉnh ta nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Thả phóng sinh các loài thủy sản xuống lưu vực sông Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) nhân Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2022.
Thả phóng sinh các loài thủy sản xuống lưu vực sông Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) nhân Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2022.

Nam Định là 1 trong 28 tỉnh, thành phố của cả nước có biển với 72km bờ biển và khoảng 17 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản cùng sự đa dạng sinh học cao với hơn 1.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện, trong đó có một số loài hải sản quý hiếm là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 175.572 tấn, tăng 6,7%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tỷ trọng cơ cấu ngành Nông nghiệp… Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được các cấp, ngành, các địa phương và cộng đồng quan tâm, hưởng ứng. Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức các đợt thả phóng sinh hàng triệu con giống thủy sản nước ngọt, mặn lợ xuống các lưu vực sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy. Lực lượng thanh tra chuyên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý tàu cá vi phạm quy định của pháp luật, nhất là các vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, do việc khai thác quá mức, không đúng kích cỡ theo quy định đã làm nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển, vùng lộng có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng cả về trữ lượng và chất lượng; các hệ sinh thái biển cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra ở một số địa phương, khu vực; tàu cá lén lút sử dụng điện để khai thác thủy sản, khai thác ở những khu vực cấm khai thác như: Vườn quốc gia Xuân Thủy, lưu vực sông Hồng. Việc ngư dân sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt đã làm ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, sự đa dạng sinh học và phát triển bền vững của sản xuất thủy sản. Do đó, việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản không chỉ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiện các quy định về chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” của EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sống dựa chủ yếu từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong tương lai. 

Trước tình trạng trên, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 2-8-2021 của UBND tỉnh về phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 23-11-2021 của UBND tỉnh về phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030. Mục tiêu chung là bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác, gắn với bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản, xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế... Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng tập trung và đa dạng hoá các đối tượng nuôi, trong đó ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi thuỷ sản chủ lực của tỉnh và những loài có giá trị kinh tế cao. Tập trung các giải pháp kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là chống khai thác IUU. Tập trung giám sát, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên các vùng biển, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ việc khai thác IUU. Mở rộng việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Trên cơ sở thực hiện những mục tiêu chung của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nói chung, của tỉnh nói riêng, một trong những mục tiêu của ngành thủy sản tỉnh trong năm 2022 là giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 3,5-4% so với năm 2021. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 16.015ha; trong đó nuôi mặn lợ 6.665ha, nuôi nước ngọt 9.350ha. Diện tích nuôi tôm là 3.400ha, tập trung tại vùng nuôi của 3 huyện ven biển. Diện tích nuôi ngao 2.350ha, tập trung tại vùng nuôi các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 187.300 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 127.500 tấn; khai thác thủy sản đạt 59.800 tấn.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Thủy sản đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp giúp từng bước giảm số lượng tàu cá nhỏ, hoạt động thiếu hiệu quả trên biển; giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ; khuyến khích phát triển tổ, đội khai thác trên biển, chuyển đổi nghề cho ngư dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ thủy sản khai thác. Đối với nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển sản xuất và tiêu thụ thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng…); phát triển các loại có giá trị kinh tế cao như nhuyễn thể, các loại cá... Tận dụng tiềm năng mặt nước biển, các tuyến sông để phát triển nuôi thủy sản, gia tăng sản lượng. Phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm, các loài thủy sản có giá trị kinh tế, lợi thế của từng địa phương. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi nuôi trồng thủy sản để tạo ra các giống mới có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao, sạch bệnh... Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho rằng: Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP, UVFTA… đã và đang đem đến cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, sản xuất trong nước đối với ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên song hành với cơ hội là những thách thức không nhỏ do các FTA có cơ chế thực thi rất chặt chẽ. Khai thác và nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Hàng hóa không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thì không được hưởng thuế ưu đãi, bị truy thu thuế nếu trước đó đã được hưởng ưu đãi thuế. Khai thác thủy sản phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển được quy định tại Công ước UNCLOS 1982. Các quy định về thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững, dựa trên các khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tương đương nhằm ngăn ngừa và loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại thủy sản giữa các bên...

Việc khuyến khích tuân thủ các quy định của pháp luật trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy hải sản nhằm ngăn chặn và chống khai thác IUU để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản của Việt Nam nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com