Phát triển chăn nuôi thích ứng bối cảnh dịch bệnh COVID-19

08:01, 11/01/2022

Dịch bệnh COVID-19 tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng. Vì thế, để kịp thời đánh giá thực trạng sản xuất chăn nuôi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trong thời điểm này rất cần sự chung tay nỗ lực của ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Chăn nuôi theo quy mô trang trại đang được ngành Nông nghiệp và huyện Hải Hậu khuyến khích (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của gia đình chị Bùi Thị Hằng, xã Hải Lý).
Chăn nuôi theo quy mô trang trại đang được ngành Nông nghiệp và huyện Hải Hậu khuyến khích (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của gia đình chị Bùi Thị Hằng, xã Hải Lý).

Thời gian qua, nhờ kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò nên ngành chăn nuôi của tỉnh đã phát triển ổn định trở lại. Việc tái đàn được người chăn nuôi thực hiện thận trọng kịp thời nên đã đáp ứng nhu cầu thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội. So với cùng kỳ năm trước, ước tổng đàn lợn nuôi và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đều tăng 0,2%; trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân đạt 85,3 kg/con. Đàn gia cầm ước đạt 9 triệu 154 nghìn con, tăng 6,1%; sản lượng thịt gia cầm các loại xuất chuồng, tăng 9,1%... Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới cũng như Việt Nam đã làm đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, khiến giá nguyên liệu vật tư đầu vào cho chăn nuôi tăng cao, nhất là các loại thức ăn tăng 16-36%. Trong khi đó, giá sản phẩm đầu ra rất thấp; có lúc đối tượng nuôi chỉ bán được giá bằng 25-30% giá thành sản xuất như gà công nghiệp lông trắng. Hiện tại, giá thịt lợn hơi xuất chuồng cũng đang xuống rất thấp, khoảng 32-36 nghìn đồng/kg, trong khi đó thời điểm nhập giống, giá mua vào lại cao, khoảng 2,5 triệu đồng một con lợn giống. Như vậy tính chung cho đầu tư giống và quá trình nuôi, bình quân người chăn nuôi lỗ 1,7-2 triệu đồng một con lợn thịt xuất bán. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động tái đàn của bà con. Mặt khác, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Bên cạnh đó, một số loại dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp tiềm ẩn nguy phát sinh, lây lan trở lại; tình trạng biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi.

Năm 2022, ngành chăn nuôi phấn đấu duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3-3,5% so với năm 2021; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 45% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi nông hộ giảm còn dưới 55%; trên 80% số hộ chăn nuôi (thuộc diện phải kê khai) phải thực hiện kê khai các hoạt động chăn nuôi; 100% đàn vật nuôi được chính quyền kiểm soát, quản lý. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt trên 190 nghìn tấn; trong đó, thịt lợn trên 155 nghìn tấn, thịt gia cầm 30 nghìn tấn. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và bảo đảm chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp với yêu cầu thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức lại ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ổn định thị trường và giá bán sản phẩm chăn nuôi; kiểm soát chất lượng con giống, khuyến khích giải pháp cải tạo nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ. Phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức hữu cơ, tập trung nhóm con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tăng cường giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm. Quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y. Tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ, chăm sóc đàn lợn nái nền; duy trì, phát triển các chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mô hình liên kết kinh tế tuần hoàn, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai hiệu quả Luật Chăn nuôi, Luật Thú y… Phân công cán bộ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm và xử lý triệt để dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan; tiếp tục ưu tiên tiêm vắc-xin phòng bệnh COVID-19 cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu… Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng tích cực hướng dẫn người dân đưa một số đối tượng vật nuôi khác như dê, thỏ, lợn rừng, ong mật, chim yến… vào chăn nuôi tạo ra sản phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây là những con nuôi có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, ít xảy ra dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ tương đối tốt. Đề nghị Bộ NN và PTNT tham mưu Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng, các ngân hàng thương mại có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế cho các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung, người chăn nuôi nói riêng; chỉ đạo ngành chức năng có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư đầu vào. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách ưu tiên khuyến khích chuyển đổi mục đích những diện tích đất canh tác kém hiệu quả tạo quỹ đất cho phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ.

Hy vọng rằng, với những biện pháp tích cực, hiệu quả, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần tạo thu nhập cho người chăn nuôi ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com