Khơi nguồn cho những mùa vàng

07:01, 30/01/2022

Khép lại năm 2021, chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục thu được những thành quả khi có thêm nhiều vùng chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao, mang lại đời sống ấm no cho người dân.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông phát triển mô hình trồng dưa trong nhà màng tại xã Đại Thắng (Vụ Bản) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông phát triển mô hình trồng dưa trong nhà màng tại xã Đại Thắng (Vụ Bản) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ruộng đồng trái ngọt, cây xanh...

Đến thôn Thái Hưng, xã Đại Thắng (Vụ Bản), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở đây khi chứng kiến những nhà màng rau củ bề thế, quy mô, tiện ích trồng dưa chuột, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, cà chua Cherry, măng tây, dưa thần tài của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông. Nâng niu những quả dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc... đang độ thu hoạch, anh Vũ Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty tâm sự: “Sau hơn 2 năm bén duyên ở đất Đại Thắng, giờ đây, các loại cây ăn quả của Công ty sản xuất đã được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng. Việc chủ động đáp ứng thị hiếu tiêu dùng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng theo quy trình VietGAP và gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã giúp Công ty được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tin tưởng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá bán ổn định. Doanh thu của Công ty lên tới 500 triệu đồng/ha/năm; tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 12 lao động, chưa kể lao động thời vụ với mức lương 5,5 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, bám sát chủ trương phát triển các chuỗi liên kết của tỉnh, Công ty đang tích cực mở rộng “hợp tác” với một số hộ nông dân mở rộng diện tích trồng các loại rau quả. Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch với giá bán theo hợp đồng thỏa thuận. Nhờ đó, nhiều nông dân đã “đổi đời” từ sự liên kết trồng cây với Công ty Thần Nông…

Sau khi trải nghiệm thực tiễn từ những “vườn ruộng” trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ cao, chúng tôi tới những cánh đồng lớn trồng rau an toàn xanh ngát, quy mô ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng... đang được nông dân thu hoạch vụ rau đông cuối năm. Bác Nguyễn Trọng Thành ở thôn Vượt Đông, xã Nam Hùng (Nam Trực) chia sẻ: “Thời điểm áp Tết, người trồng rau bận bịu, vất vả hơn vì những đơn đặt hàng tăng cao. Mặc dù trồng rau, làm màu vất vả hàng ngày, nhưng nhờ sản xuất theo hướng an toàn nên với diện tích 3 sào đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng trong 3 tháng cuối năm”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trực Vũ Văn Thắng cũng phấn khởi thông tin, hiện trên địa bàn huyện có hơn 200ha trồng rau. Trong công tác chỉ đạo sản xuất, huyện tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi theo phương thức sản xuất rau an toàn, từng bước hướng tới đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đa dạng các loại rau phục vụ thị trường, bên cạnh các loại rau ăn lá, củ, còn trồng thêm nhiều loại rau gia vị. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, sản lượng rau của huyện Nam Trực cung cấp ra thị trường 100-200 tấn các loại/tháng. Những cánh đồng rau cho thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/sào/vụ đông. Nhờ đó người nông dân có thêm thu nhập và điều kiện để xây dựng quê hương nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu khang trang, sạch đẹp...

Cơ giới hóa khâu thu hoạch giúp giảm bớt công lao động nặng nhọc, hạn chế tổn thất, góp phần nâng cao nguồn thu cho nông dân (Trong ảnh: Nông dân xã Quang Trung, huyện Vụ Bản thu hoạch lúa mùa năm 2021).
Cơ giới hóa khâu thu hoạch giúp giảm bớt công lao động nặng nhọc, hạn chế tổn thất, góp phần nâng cao nguồn thu cho nông dân (Trong ảnh: Nông dân xã Quang Trung, huyện Vụ Bản thu hoạch lúa mùa năm 2021).

Mùa vàng ấm no từ chủ trương  “đúng và trúng”

Có thể thấy rằng, sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây của tỉnh ta liên tục được mùa; năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập năm sau cao hơn năm trước, kinh tế nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khí hậu, thời tiết biến đổi bất thường. Để có được những mùa vàng bội thu, mùa xuân no ấm với những ruộng vườn cho “trái ngon, mùa ngọt”, bà con nông dân khắp các địa phương đều đánh giá cao chủ trương “trúng, đúng và phù hợp” của tỉnh khi lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân. Trong 7 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng và các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung Đề án một cách căn cơ, bài bản. Trong đó, đặc biệt coi trọng chuyển căn bản cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ coi nặng khai thác tài nguyên sang đề cao quản trị tiến bộ, phát triển sản xuất hàng hóa theo lợi thế và nhu cầu thị trường; đồng thời tích cực đổi mới các hình thức sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết theo hướng hiệu quả kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh xác định tập trung, tích tụ ruộng đất là “chìa khóa” mở đường cho ứng dụng công nghệ, khoa học để sản xuất quy mô lớn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ, đẩy mạnh cơ giới hóa. Toàn tỉnh xây dựng được 458 “cánh đồng lớn” để sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích 22.343ha, trong đó, vụ đông 15 mô hình rau màu, diện tích 555ha; vụ xuân 235 mô hình, diện tích 11.757ha và vụ mùa 208 mô hình với diện tích 10.032ha. Các mô hình sản xuất cánh đồng lớn được các địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm về quy mô diện tích, gieo cấy cùng giống, đồng trà, thực hiện tốt quy trình thâm canh nên lúa, cây màu sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao. Năng suất lúa trong các mô hình cánh đồng lớn đều tăng 5-15% so với sản xuất đại trà, hiệu quả kinh tế tăng 2-10 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với sản xuất “3 cùng” trên cánh đồng lớn, cơ giới hóa thay sức người để tăng năng suất lao động, cơ cấu giống cây, con nuôi cũng được chuyển đổi đồng bộ với các giống năng suất, chất lượng tốt, có ưu thế tiêu thụ, giá trị kinh tế cao. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện, tạo thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; thâm canh nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó sản phẩm lúa gạo đạt 885 nghìn tấn, khoai tây 30 nghìn tấn, lạc 25 nghìn tấn, thịt hơi xuất chuồng 178 nghìn tấn, thủy sản 165 nghìn tấn/năm... Cơ cấu giá trị nội ngành chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt bình quân 2,7%/năm. Hết năm 2021, diện tích cấy lúa chất lượng cao là hơn 125 nghìn ha/năm, đạt 86,5% diện tích. Giá trị bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 103 triệu đồng/ha năm 2017 lên hơn 120 triệu đồng/ha năm 2021.

Điểm đáng chú ý là, các cơ chế, chính sách đúng và trúng của tỉnh đã tạo niềm tin với các nhà đầu tư, thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị. Tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) với các HTX và hộ nông dân với diện tích trên 500ha, sản lượng tiêu thụ gần 2.000 tấn lúa; lợi nhuận của hộ nông dân tham gia mô hình đạt 20 triệu đồng/ha, tăng 8-10% so với sản xuất đại trà; chuỗi liên kết sản xuất giống lúa lai, lúa thuần, gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và Tổng hợp Xuân Trường, quy mô 500ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Doanh…

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giúp tỉnh nhiều năm liên tiếp thu về những mùa vàng bội thu. Đó là nền tảng vững chắc để các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com