Góp phần phục vụ hiệu quả sản xuất vụ đông xuân 2022

08:01, 04/01/2022

Nhằm đảm bảo hệ thống công trình thủy lợi an toàn phục vụ tốt phòng, chống thiên tai, sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân hiệu quả việc đồng loạt ra quân làm thủy lợi nội đồng của các huyện, thành phố và các công ty thủy nông với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao là hết sức quan trọng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2021-2022 có nền nhiệt độ trung bình thấp hơn so với vụ đông xuân năm ngoái; các đợt rét đậm, rét hại tập trung trong nửa cuối tháng 12-2021 đến hết tháng 2-2022, đúng vào thời điểm gieo cấy lúa xuân; khả năng thiếu nước và mặn xâm nhập sâu do nguồn nước trên các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, đặc biệt hạ lưu sông Hồng từ 60-80%; một số đối tượng sâu bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng và vật nuôi, nhất là các đối tượng bệnh lùn sọc đen trên lúa, sâu keo mùa thu trên lúa, ngô, rau màu diễn biến phức tạp. Đặc biệt dịch bệnh COVID-19 phát sinh chủng mới và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy để vụ xuân 2022 đạt năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả cao, UBND tỉnh đã sớm có Công văn số 901/UBND-VP3 ngày 30-11-2021 chỉ đạo tổ chức triển khai sản xuất vụ đông 2021-2022; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) ra văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 và đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng, hướng dẫn thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp, các công ty thủy nông phải xác định chiến dịch làm thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng và tích cực triển khai thực hiện từ cuối tháng 11-2021. Đối với những công trình thuỷ lợi trực tiếp phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 phải tập trung hoàn thành trước ngày 15-1-2022. Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, địa phương đảm bảo phát huy tối đa năng lực của công trình. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, nạo vét kênh tưới, tiêu, cửa cống...; đắp bờ vùng, bờ thửa, khoanh vùng làm dầm, làm ải để chủ động điều tiết và chống lãng phí nước. Giải toả đăng, đó, vó bè, bèo, bè mảng; khơi thông dòng chảy, chống ách tắc. Toàn tỉnh lập kế hoạch tập trung sửa chữa 42 công trình đầu mối, 192 cống đập cấp II, làm mới 878 cống đập cấp III, kiên cố hơn 361km kênh các cấp, nạo vét 39 cửa cống, 45 bể hút…; đào đắp 1 triệu 365 nghìn m3 đất, trong đó các công ty thủy nông đào đắp gần 510 nghìn m3 đất.

Từ cuối tháng 11-2021, huyện Giao Thủy đã huy động lực lượng, phương tiện ra quân làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 (Trong ảnh: Thi công tuyến kênh tiêu trên địa bàn xã Giao An).
Từ cuối tháng 11-2021, huyện Giao Thủy đã huy động lực lượng, phương tiện ra quân làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 (Trong ảnh: Thi công tuyến kênh tiêu trên địa bàn xã Giao An).

Phát huy vai trò chủ lực, các công ty thủy nông của tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện phối hợp với các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp rà soát xây dựng kế hoạch nạo vét, sửa chữa, nâng cấp kết hợp làm đường giao thông nội đồng, tu bổ, sửa chữa nâng cấp công trình kênh mương, cống đập cấp I, cấp II. Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hải Hậu cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu tái định cư cắt ngang các tuyến kênh mương. Vì vậy Công ty đã phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công những vị trí cống trên các tuyến kênh mương để giải phóng dòng chảy nhanh, tạo thuận lợi cho việc bơm nước phục vụ sản xuất. Trên một số tuyến sông, kênh vẫn còn tình trạng vi phạm hành lang công trình thủy lợi như làm nhà trên mái kênh, lòng kênh; xả nước, rác thải ra lòng kênh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc điều hành tưới tiêu phục vụ sản xuất. Vì vậy, Công ty đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương kiên quyết xử lý, giải tỏa các điểm vi phạm, tăng cường quản lý không để phát sinh thêm các trường hợp vi phạm mới. Đến hết tháng 12-2021, Công ty đã hoàn thành trên 60% số lượng sửa chữa cống dưới đê, gần 80% việc kiên cố kênh các cấp, gần 90% việc nạo vét cửa cống, bể hút… Bên cạnh đó, các Công ty thủy nông và các địa phương tiếp tục đào đắp kênh mương kết hợp làm đường giao thông nội đồng theo quy hoạch được duyệt và tiêu chí nông thôn mới; tập trung huy động lực lượng, phương tiện thi công các công trình đầu mối. Các huyện, thành phố huy động các nguồn lực và đóng góp của nhân dân thực hiện cứng hóa đường nội đồng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Chú trọng vùng chuyên sản xuất giống, vùng chuyển đổi cơ cấu, vùng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất, vùng cây vụ đông tập trung theo quy hoạch và những vùng thấp trũng. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà thực hiện tu bổ, sửa chữa, nạo vét công trình do đơn vị quản lý, khai thác thuộc địa bàn tỉnh. Các Công ty thủy nông của tỉnh chịu trách nhiệm từ công trình đầu mối đến hết công trình cấp II theo phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi của tỉnh; cân đối nguồn vốn hỗ trợ kinh phí cải tạo, kiên cố hóa kênh cấp III phục vụ xây dựng cánh đồng lớn, vùng cây vụ đông tập trung trên đất 2 lúa khi có kinh phí đối ứng của địa phương. Các xã, hợp tác xã và hộ sản xuất chú trọng sửa chữa cống, kênh và công trình trên kênh từ cấp III đến mặt ruộng theo phân cấp quản lý, khai thác. Cùng với sự chủ động của các Công ty thủy nông, tranh thủ thời tiết thuận lợi các huyện, thành phố cũng chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt làm thủy lợi nội đồng. Đồng chí Nguyễn Hòa Vang, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản cho biết: Trên cơ sở khảo sát, thiết kế, lập dự toán kinh phí và nghiệm thu các công trình thuỷ nông nội đồng từ cấp II trở lên, Phòng Nông nghiệp đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Vụ Bản tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch làm thuỷ lợi nội đồng cho từng xã, thị trấn; phân công cán bộ giúp UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện chiến dịch ở địa phương. UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo Đài truyền thanh làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi và các văn bản chỉ đạo về chiến dịch làm thuỷ lợi nội đồng của tỉnh, huyện. Năm nay, toàn huyện phấn đấu đào đắp 121 nghìn 375m3 đất, bùn; sửa chữa 2 cống cấp II, làm mới 30 cống cấp III, sửa chữa 41 cống cấp III, kiên cố hơn 4,3km kênh các cấp… với tổng kinh phí 7 tỷ 192 triệu đồng.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT đến cuối tháng 12-2021, toàn tỉnh đã đào đắp được hơn 942 nghìn m3 đất, bằng gần 70% kế hoạch, sửa chữa 801 cống đập cấp III, bằng 72% kế hoạch, nạo vét 2.810 bể hút, bằng 79% kế hoạch, đào đắp hơn 434m3 đất kênh cấp III, bằng 75% kế hoạch… Hy vọng rằng, các huyện, thành phố, các Công ty thủy nông, các HTX sẽ sớm hoàn thành chiến dịch làm thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi cho sản xuất vụ đông xuân 2021-2022, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com