Tăng cường kiểm dịch sản phẩm động vật dịp cuối năm

08:12, 06/12/2021

Hiện nay, dịch bệnh trên động vật vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh Nam Định như: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam... có nguy cơ lây lan, phát sinh cao trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của người dân ở các địa phương tăng mạnh. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), các địa phương đã đẩy mạnh kiểm soát, phòng, chống, kiểm dịch bệnh động vật, sản phẩm động vật góp phần bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. 

Lực lượng thú y tỉnh kiểm tra đàn lợn được vận chuyển vào địa bàn tỉnh.
Lực lượng thú y tỉnh kiểm tra đàn lợn được vận chuyển vào địa bàn tỉnh.

Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Theo Cục Thú y (Bộ NN và PTNT), hiện cả nước vẫn còn một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày: bệnh lở mồm, long móng trên đàn gia súc; bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh cúm gia cầm A/H5N6, cúm A/H5N8. Trong đó, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 2.275 xã, phường, thị trấn trên cả nước với tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 230 nghìn con, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tại tỉnh ta, bệnh DTLCP có dấu hiệu tái bùng phát, đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ lẻ, rải rác tại các huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định. Ngoài ra, qua kết quả giám sát dịch của lực lượng chức năng, hiện vẫn còn lưu hành vi-rút cúm trên đàn gia cầm của một số địa phương, nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát thời gian tới là rất cao. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi của tỉnh ta lớn với hơn 758 nghìn con lợn, 36.105 con trâu, bò, trên 8,9 triệu con gia cầm, thủy cầm… Mật độ nuôi đông, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trong dân vẫn còn nhiều, đồng thời thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, DTLCP nói riêng trên đàn lợn đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi và cung cầu thực phẩm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp... 

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi, chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, có chế độ dinh dưỡng và biện pháp chống rét hợp lý cho đàn vật nuôi; tổ chức cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện tiêm phòng vắc-xin đối với một số bệnh trên động vật. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, giết mổ sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán con giống. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng trăm phương tiện vận chuyển, động vật và sản phẩm động vật. Trong quá trình kiểm tra đã hướng dẫn các chủ hàng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cho động vật và phòng lây nhiễm một số bệnh từ động vật sang người, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật. Cụ thể, ngày 1-10-2021, tại phà Sa Cao, qua nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng đã kiểm tra xe máy (biển kiểm soát 17F4-4882), do chủ hàng là ông Nguyễn Đức Thắng, xã Vũ Hòa, Kiến Xương (Thái Bình) điều khiển vận chuyển 2 con lợn trọng lượng khoảng 80 kg/con. Tại thời điểm kiểm tra, 2 con lợn đã chết, có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm; chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định. Theo lời khai của chủ hàng thì lợn được mua và vận chuyển từ xã Xuân Phong (Xuân Trường) về xã Vũ Hòa để tiêu thụ. Các lực lượng chức năng đã kết hợp cùng Công an xã Vũ Hòa lập biên bản yêu cầu tiêu hủy 2 con lợn chết và phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Trường, xã Xuân Phong tiếp tục truy xuất nguồn gốc lợn có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định. 

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tái đàn nuôi mới và sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ trà trộn vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không an toàn dịch bệnh. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết với các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch tại địa bàn tỉnh theo quy định./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com