Mở hướng phát triển cho làng nghề chiếu cói Xuân Dục

07:12, 02/12/2021

Nằm bên sông Ninh Cơ, làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có nghề dệt chiếu truyền thống gần 200 năm tuổi. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề dệt chiếu theo chân người lao động đi làm thuê cho các hộ dệt chiếu quanh vùng mang về. Nhờ sự cần cù, chịu khó và nhạy bén với thị trường nên nghề dệt chiếu nhanh chóng trở thành phương tiện “kiếm kế sinh nhai” ngay tại mảnh đất cha ông, mang lại ấm no cho nhiều thế hệ người làng Xuân Dục. Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, làng nghề lúc hưng thịnh, khi kém phần sôi động nhưng người dân nơi đây vẫn vững chí bền gan, quyết tâm gìn giữ phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Người dân thôn Xuân Dục phát triển thêm nghề xe sợi đay phục vụ sản xuất chiếu cói (ảnh 1);
Người dân thôn Xuân Dục phát triển thêm nghề xe sợi đay phục vụ sản xuất chiếu cói.

Thăng trầm làng nghề truyền thống

Mặc dù được du nhập về, tuổi đời không lâu bằng nhiều làng nghề khác trong vùng nhưng chiếu cói Xuân Dục lại nổi danh với sản phẩm “chiếu đậu” dày, nguyên màu trắng xanh của cói, không sử dụng bất kỳ hoa văn, phẩm màu lên chiếu để khoe độ tinh xảo của kỹ thuật dệt và nguyên liệu chất lượng cao. Theo đó, để dệt được loại chiếu này ngoài kỹ thuật cao, người dân còn phải thật cầu kỳ trong khâu lựa chọn nguyên liệu. Những sợi cói phải tròn, săn, cân đối gốc ngọn, nhiều cật, ít ruột, đều tăm tắp và nhất thiết phải có màu trắng xanh. Sợi đay phải là đay lụa bánh tẻ, xe nhỏ, săn, chắc… mới đạt yêu cầu. Vậy nên sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó. Lúc hưng thịnh, cả thôn có 1.000 hộ thì có tới 1.500 khung dệt chiếu. Lớp trẻ làng nghề còn đầu tư máy dệt chiếu công nghiệp để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nguyên liệu chính để dệt chiếu là cói, đay trong tỉnh không đáp ứng đủ, người dân làng nghề tìm mua ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình rồi các tỉnh phía Nam mới đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất. Mỗi ngày, các hộ dân trong làng nghề tiêu thụ khoảng 10 tấn cói nguyên liệu để sản xuất, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm được thương lái đến làng thu mua rồi bán lại ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đặc biệt sản phẩm “chiếu đậu Xuân Ninh” không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan… qua hình thức ký gửi của một công ty xuất nhập khẩu ở Kim Sơn (Ninh Bình). Tuy nhiên, đời sống kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều loại nguyên liệu và các dòng sản phẩm khác nhau nên nhu cầu dùng chiếu cói cho sinh hoạt hàng ngày giảm đi đáng kể. Nếu như trước đây chiếu cói là vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình thì nay được thay bằng các loại chiếu nhựa, chiếu cỏ, chiếu nhập khẩu và thảm, ga bằng nhiều chất liệu khác… Công nghiệp nông thôn phát triển nên lao động trẻ trong thôn bỏ nghề dệt chiếu đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp. Lao động cho nghề dệt chiếu chỉ còn người già, phụ nữ cao tuổi, làng nghề rơi vào tình thế khó khăn. Không còn cảnh cả nghìn khung dệt cùng lách cách, sân nhà, vườn ngõ, bờ rào trắng, sáng, thơm nức mùi cói mới; cũng không còn khách hàng dập dìu vào ra mua bán. Người dân làng nghề phải chở chiếu đi các chợ, rong ruổi các khu phố bán lẻ từng đôi chiếu nhưng vẫn không cạnh tranh được về giá với các loại chiếu nhựa. Từ hơn 1.000 khung dệt chiếu, thời điểm đầu những năm 2000 đã giảm xuống còn vài trăm rồi vài chục khung. Trong làng chỉ có người trung tuổi, người già là cặm cụi giữ nghề và chỉ nhận khách đặt chiếu đẹp phục vụ cưới hỏi, lễ hội truyền thống. 

Những tín hiệu tích cực

Người dân thôn Xuân Dục phát triển thêm nghề xe sợi đay phục vụ sản xuất chiếu cói (ảnh 1); Làng nghề Xuân Dục duy trì sản xuất chiếu đậu chất lượng cao (ảnh 2).  Bài và ảnh: Nguyễn hương
Làng nghề Xuân Dục duy trì sản xuất chiếu đậu chất lượng cao.

Trong bối cảnh làng nghề suy giảm nhưng người dân trong thôn Xuân Dục vẫn đau đáu với nghề cha ông truyền dạy. Ông Mai Văn Đoan, xóm 2 Xuân Dục cho biết: Người Xuân Dục làm quen với nghề dệt chiếu từ khi vừa lẫm chẫm biết đi. Khi còn nhỏ thì phơi cói, phơi đay, cắt riềm chiếu; lớn lên chút nữa thì căng đay, lên khung dệt; đến tuổi trưởng thành thì dệt hoàn thiện lá chiếu rồi in ấn, trang trí hoa văn… Nghề truyền thống ăn vào máu thịt nên dù ít, dù nhiều vẫn còn có người dùng đến chiếu cói truyền thống thì làng nghề vẫn còn sản xuất, tìm cơ hội vực dậy làng nghề. “Cái khó ló cái khôn”, vốn bản tính cần cù chịu khó, người dân làng nghề tìm nhiều cách để tháo gỡ khó khăn. Bà con tổ chức trồng đay, xe chỉ đay để giảm mua nguyên liệu từ nơi khác, tạo việc làm và giảm chi phí sản xuất. Từ chỗ nhập đay nguyên liệu 100% đến nay trong thôn đã có gần chục gia đình tổ chức trồng đay, xe đay phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và cung ứng cho các hộ khác. Chị Nguyễn Thị Ngát, xóm 2 cho biết: Tự trồng và xe đay, mỗi cân sợi đay tiết kiệm được 30-50 nghìn đồng mà chất lượng tốt, bền, chủ động theo yêu cầu loại chiếu, góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất mà chất lượng sản phẩm lại tăng lên. Mặc dù làm chiếu đậu kỳ công, kỹ thuật khó hơn, giá cao khó cạnh tranh hơn song người làm chiếu ở Xuân Dục vẫn không thay đổi, duy trì dòng sản phẩm chiếu đậu, chiếu chất lượng cao, hướng đến nhóm phân khúc thị trường chiếu dùng cho việc cưới hỏi, lễ hội và trang trí nội thất theo lối cổ ở các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch. Nhờ chọn đúng hướng nên làng nghề vẫn duy trì được 150 hộ sản xuất chiếu, gần chục hộ xe đay và 3 hộ in ấn hoa văn cho chiếu cói. Chiếu không còn phải mang đi khắp nơi bán dạo như xưa mà đã tạo được thương hiệu, thu hút khách hàng đến làng nghề đặt mua sản phẩm. Không những thế thấy nghề phát đạt, có cơ hội, lớp trẻ trong làng ngoài giờ làm việc ở xí nghiệp cũng tranh thủ tham gia dệt chiếu, xe đay phụ giúp cha mẹ. Đây là những tín hiệu vui trong quá trình khôi phục làng nghề. Từ những thành công bước đầu, địa phương và người làng nghề đang tiến tới đầu tư xây dựng và khai thác mô hình du lịch trải nghiệm nghề dệt chiếu, xe đay truyền thống.  

Để khuyến khích người dân làng nghề dệt chiếu cói truyền thống Xuân Dục duy trì phát triển làng nghề, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Ninh đang chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, kỹ năng phát triển thị trường và giới thiệu sản phẩm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, tận dụng, cải tạo đất gò hoang hóa, vườn tạp để trồng đay, phát triển nghề xe đay hướng tới đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của làng nghề và cung ứng cho các làng nghề sản xuất chiếu trong tỉnh. Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, xã cũng mong muốn các ngành, các cấp hỗ trợ làng nghề chiếu cói Xuân Dục xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm làng nghề và hỗ trợ người dân trong việc tổ chức, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nghề dệt chiếu cói truyền thống./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com