Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi bảo vệ an toàn đàn lợn

07:12, 29/12/2021

Sau một thời gian bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho việc tái đàn, tăng đàn thì từ tháng 10-2021 bệnh DTLCP có dấu hiệu tái bùng phát, đã xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ, rải rác và đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Vì vậy, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả bệnh DTLCP phát sinh, lây lan trên diện rộng, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo.

Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vụ Bản tiêm phòng cho đàn lợn góp phần phòng ngừa các loại dịch bệnh.
Cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vụ Bản tiêm phòng cho đàn lợn góp phần phòng ngừa các loại dịch bệnh.

Ngày 13-12-2021, xuất hiện ổ bệnh DTLCP xảy tại hộ ông Đặng Văn Chung, xã Giao Long (Giao Thủy). Các lực lượng chức năng của huyện, xã đã khẩn trương phối hợp tiêu hủy toàn bộ 120 con lợn theo đúng quy định; đồng thời tiến hành phun khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, rắc vôi bột lối ra vào khu chăn nuôi và khu vực tiêu hủy bảo đảm không để dịch lây lan. Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 2 đợt DTLCP; trong đó đợt 2 từ ngày 6-10 đến ngày 20-12-2021, bệnh DTLCP đã xảy ra ở 30 thôn của 20 xã, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố Nam Định. Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy 32.513kg, trong đó lợn nái, lợn đực giống là 3.224kg. Nhiều nhất là huyện Giao Thủy có 7 xã, thị trấn; tiếp đó là huyện Trực Ninh có 4 xã, thị trấn; huyện Nam Trực có 3 xã… xuất hiện bệnh DTLCP trên đàn lợn. Ngoài yếu tố khách quan như chưa có vắc-xin phòng bệnh thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý đàn lợn nuôi, nhất là việc tổ chức đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi lợn theo quy định của Luật Chăn nuôi của chính quyền cấp xã còn hạn chế; công tác tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh DTLCP nói riêng chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Công tác giám sát, thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật bị buông lỏng ở nhiều nơi tại cấp cơ sở. Chất lượng con giống chưa được các hộ chăn nuôi quan tâm chú trọng. Việc quản lý người hành nghề thú y, cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào tỉnh hiệu quả chưa cao. Công tác vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Hình thức chăn nuôi vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hướng tự phát. Chuồng trại xây dựng không đúng quy định, nằm trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Cấp ủy, chính quyền một số xã, thị trấn chưa quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn lợn; Ban Nông nghiệp một số xã hoạt động kém hiệu quả, chưa phát huy được vai trò điều hành công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Công tác tổ chức, quản lý mạng lưới thú y cơ sở còn nhiều bất cập, nhiều nơi không duy trì được mạng lưới thú y cơ sở, một số thú y viên tuổi cao, trình độ chuyên môn yếu, kỹ năng tuyên truyền, vận động hạn chế; nhiều địa phương không bố trí kinh phí để huy động lực lượng thú y viên tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Cán bộ thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm và chưa phối hợp tốt với mạng lưới thú y trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, giám sát dịch bệnh tại cơ sở. Người chăn nuôi chưa nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, chưa chủ động tự giác thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 44/CT-UBND ngày 9-12-2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP theo đúng quy định của pháp luật về thú y và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh. Trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết theo đúng quy trình, không làm phát tán, lây lan mầm bệnh, không gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, khu vực có dịch; chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo dịch bệnh, giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn làm lây lan dịch bệnh; báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh; công bố và tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, nhập lậu, chế biến, tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn mắc bệnh, chết, không rõ nguồn gốc; thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, biện pháp đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ lợn...

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tăng cường các nguồn lực hỗ trợ việc phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là nơi dịch bệnh đang lây lan, diễn biến phức tạp. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để chủ động phòng, chống bệnh DTLCP theo Quyết định số 205/QĐ-CN-GVN ngày 11-11-2021 của Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT); thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất; chủ động đăng ký, thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 13-7-2021 của UBND tỉnh phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh DTLCP đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, giá cả thị trường để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền về các quy định mới trong hoạt động chăn nuôi, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com