Ngành ngân hàng chung tay phát triển bền vững kinh tế biển

08:12, 24/12/2021

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tập trung tiếp vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khai thác và phát triển kinh tế biển bền vững, đáp ứng mục tiêu xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh.

Sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của doanh nghiệp tư nhân Phú Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của doanh nghiệp tư nhân Phú Long, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Cụ thể như: Chính sách cho vay đóng mới nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Nghị định số 68/2013/QĐ-TTg; cùng với đó là hàng loạt các chính sách ưu đãi cho vay các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi 4,5%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng triển khai các chương trình tín dụng chính sách với đối tượng cho vay là các hộ thu nhập thấp sinh sống khu vực ven biển giúp họ có vốn đầu tư sản xuất các mô hình kinh tế VAC hiệu quả cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập góp phần phát triển kinh tế địa phương ven biển. Từ nguồn vốn của ngân hàng, các huyện ven biển, doanh nghiệp và người dân đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật: mở mang giao thông, kiên cố hoá kênh mương, thương mại dịch vụ, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, khai thác hải sản theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đạt tiêu chuẩn OCOP, qua đó tạo niềm tin cho người dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tại huyện Giao Thuỷ, tổng dư nợ ngân hàng trên địa bàn toàn huyện đạt 4.155 tỷ 17 triệu đồng với 26.489 hộ dân và 44 doanh nghiệp còn dư nợ. 6 tháng đầu năm 2021, các TCTD đã giải ngân cho vay được 2.553 tỷ 744 triệu đồng. Từ nguồn vốn ngân hàng, thế mạnh về phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản của huyện không ngừng phát triển, giá trị sản xuất tại các vùng nuôi thuỷ sản tập trung đạt gần 900 triệu đồng/ha. Tại xã Giao Phong, dư nợ tín dụng toàn xã tại các TCTD là 192 tỷ 117 triệu đồng. Đồng chí Trương Quốc Thái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Giao Phong của Agribank Chi nhánh huyện Giao Thuỷ cho biết: “Phòng giao dịch Giao Phong hiện đáp ứng nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân thuộc địa bàn 6 xã, thị trấn gồm: Giao Tân, Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Yến, thị trấn Quất Lâm và xã Giao Phong với tổng số 2.800 khách hàng. 6 tháng đầu năm 2021, dư nợ của Phòng giao dịch đạt 650 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của Agribank, người dân đã đầu tư các mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao như nuôi thuỷ sản tôm thẻ chân trắng mặn, lợ, hàu giống, tu hài, đánh bắt hải sản, thương mại dịch vụ, du lịch biển. Số khách hàng có dư nợ trên 2 tỷ đồng chiếm 3% số lượng khách hàng”. Sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện bình quân hàng năm đạt 15 nghìn tấn. Toàn huyện Giao Thuỷ có hơn 5.100ha nuôi thủy sản mặn lợ với các hình thức: nuôi quảng canh, vùng chuyên tôm, nuôi ngao, ương giống ngao và diện tích nuôi nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt hơn 44 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng nuôi thủy sản mặn lợ gần 39 nghìn tấn, thủy sản nước ngọt gần 6.000 tấn. Cùng với đó, các dịch vụ hậu cần trong khai thác đã đáp ứng nhu cầu chế biến thủy sản trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 51 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản, nhiều sản phẩm có giá trị của một số cơ sở đã được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như ngao sạch Giao Thủy, tép moi sấy khô, tôm nõn hấp, bề bề nõn, cá thu một nắng, cá nục một nắng. Đến hết tháng 8-2021 toàn huyện có 24 cơ sở đăng ký 53 sản phẩm thuộc các nhóm ăn uống, dược phẩm, thủ công mỹ nghệ, nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2021 với hạng từ 3-5 sao. Ngoài ra, còn có 30 cơ sở cung cấp dịch vụ xăng dầu, gia công lưới, 6 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, công suất đóng mới mỗi năm từ 20-30 tàu cá/cơ sở. 

Tại huyện Hải Hậu, dư nợ ngân hàng trên địa bàn huyện ở các TCTD là 8.337 tỷ 981 triệu đồng với 36.446 hộ dân và 125 doanh nghiệp còn dư nợ. 6 tháng đầu năm 2021, các TCTD đã giải ngân cho vay được 5.725 tỷ 028 triệu đồng. Hiện nay toàn huyện có 44 làng nghề ở 32 xã, thị trấn (20 làng nghề sinh vật cảnh, 14 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 3 làng nghề nuôi trồng thuỷ sản, 5 làng nghề trồng cây dược liệu, 2 làng nghề xây dựng) với tổng số 24 nghệ nhân. Các làng nghề phát triển ổn định và thu hút, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Xã Hải Minh có tổng số 1.500 hộ thuộc các làng nghề với 4.500 lao động. Xã đã hoàn thành xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Hải Minh với diện tích 3,9ha, gồm 2 khu: khu I diện tích 1,1ha, có 24/25 hộ xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 15 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 300 đến 400 lao động; các mặt hàng sản xuất kinh doanh chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ như bàn, ghế... Khu II diện tích 2,8ha gồm Công ty cổ phần Mỹ nghệ Hải Minh và 26 doanh nghiệp liên kết với Công ty cổ phần Mỹ nghệ Hải Minh để xây dựng nhà xưởng, công trình phụ trợ, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, may công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 300 công nhân; sản phẩm chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ các loại, đồng hồ, kèn đồng... Đã có 1.670 hộ dân và 24 doanh nghiệp trên địa bàn xã được vay vốn ưu đãi với số dư nợ 825 tỷ 620 triệu đồng. Tại huyện Nghĩa Hưng, dư nợ ngân hàng trên địa bàn huyện tại các TCTD là 4.147 tỷ 688 triệu đồng với 25.214 hộ dân và 119 doanh nghiệp còn dư nợ. 6 tháng đầu năm 2021, các TCTD đã giải ngân cho vay được 2.530 tỷ 428 triệu đồng. 

Để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh và đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển, nuôi trồng thuỷ sản và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển và các ngành kinh tế biển mới theo đúng chủ trương, mục tiêu của Nghị quyết số 05-NQ/TU. Bên cạnh đó, trước tình hình khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, tình hình dịch COVID-19 còn có nhiều diễn biến phức tạp, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, trong đó có các khách hàng sản xuất, kinh doanh trong các ngành kinh tế biển./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com