Đẩy nhanh tiến độ cấp "sổ đỏ" sau dồn điền, đổi thửa

08:09, 15/09/2021

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Vì vậy tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo ngay từ khi thực hiện công tác DĐĐT vào năm 2011. Tuy nhiên, đến tháng 1-2021, toàn tỉnh mới ký quyết định cấp 267.123 GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT, đạt 58,7% tổng số hồ sơ cần cấp đổi. 

Nông dân thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất sau dồn điền, đổi thửa.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nông dân thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất sau dồn điền, đổi thửa. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT, các địa phương đã chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, khuyết điểm trong việc chậm tiến độ tại địa bàn quản lý. Tại huyện Trực Ninh đã xác định một số nguyên nhân chính, do hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ không đồng bộ; nhiều hộ gia đình, cá nhân đi làm ăn xa nên việc kê khai, thiết lập hồ sơ khó khăn; các hộ gia đình chưa thống nhất phân chia được quyền thừa kế; việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp không chấp hành các quy định của pháp luật. Mặt khác, một số xã, thị trấn như Liêm Hải, Trực Hưng, Cổ Lễ... chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện của công chức chuyên môn thực hiện nhiệm vụ dẫn đến tiến độ còn chậm. Một số xã, thị trấn thực hiện công tác DĐĐT chưa đúng quy định và không thực hiện hoặc thực hiện chậm việc bàn giao hồ sơ DĐĐT tại thôn, xóm dẫn đến rất khó khăn cho việc lập hồ sơ; mặt khác ngân sách xã, thị trấn khó khăn nên việc ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cũng khó khăn. Xác định nguyên nhân cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT chậm tiến độ, huyện Nam Trực đã chỉ rõ nguyên nhân quan trọng nhất là nguyên nhân chủ quan của người dân, của cơ sở thôn đội, UBND xã, thị trấn, Phòng TN và MT, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, các đơn vị có liên quan như Chi cục Thuế, Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng NN và PTNT. Theo Sở TN và MT, đó cũng là nguyên nhân chung của các địa phương trên toàn tỉnh. Ngoài ra còn một số xã chưa nghiêm túc thực hiện quy định về việc dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ cho công tác lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT. 

Trước tình trạng đó, tỉnh yêu cầu ngành TN và MT, các địa phương phải xác định cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý đất đai, giúp người dân yên tâm đầu tư, khai thác tốt tiềm năng đất đai phát triển nông nghiệp hàng hóa theo đúng định hướng của tỉnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án đầu tư liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ dân. Do vậy, phải tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT. Giao Sở TN và MT tiếp tục đôn đốc, tổng hợp việc xây dựng kế hoạch của UBND các huyện thành kế hoạch chung của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt; kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các huyện và kịp thời hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ nếu các huyện có nhu cầu. Các huyện phải tập trung hoàn thiện hồ sơ chi tiết, thẩm định và phê duyệt phương án DĐĐT làm căn cứ pháp lý để thực hiện; nghiêm túc thực hiện việc dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT. Mặt khác, phải bố trí cán bộ thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương kịp thời tháo gỡ, xử lý mọi vướng mắc có liên quan để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình khi cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT, tích cực phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan.

Các huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn phải nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT. Đặc biệt, yêu cầu các xã, thị trấn phải thận trọng, đảm bảo chính xác, hạn chế thấp nhất việc sai sót dẫn tới phát sinh khiếu nại, thắc mắc của người dân trong cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT. Trong đó, các xã, thị trấn phải chú trọng hoàn thiện công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT theo hướng dẫn của Sở TN và MT, chuyển về Phòng TN và MT thực hiện quy trình cấp đổi, trình UBND huyện ký quyết định. Đối với các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, yêu cầu UBND các xã thông báo với người sử dụng đất cung cấp thông tin hoàn thiện thủ tục pháp lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp cho các trường hợp người sử dụng đất đủ điều kiện theo quy định. Phải quan tâm thống kê, lập danh sách và thông báo các chủ sử dụng đất trong những trường hợp có GCNQSDĐ đang lưu giữ tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có biến động, phải chỉnh lý trên GCNQSDĐ sau DĐĐT phải tăng cường phối hợp thực hiện các bước bàn giao để chỉnh lý GCNQSDĐ theo quy định. 

Với các biện pháp kể trên, các địa phương đang tập trung thực hiện chỉ tiêu UBND tỉnh giao, trong năm 2021 hoàn thành chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp đổi 60.042 GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com