Quyết tâm tháo gỡ "Thẻ vàng" trong khai thác hải sản (kỳ 1)

08:08, 12/08/2021

Trong gần 4 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương và ngư dân trong tỉnh nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) nhằm từng bước dỡ bỏ những biện pháp xử lý (thẻ vàng) của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên những kết quả đạt được đến thời điểm này vẫn chưa như kỳ vọng.

Ngư dân thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu treo cờ Tổ quốc trên tàu trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển (ảnh 1); Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra, kiểm soát khu vực âu thuyền xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (ảnh 2).  Bài và ảnh: Văn Đại
Ngư dân thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu treo cờ Tổ quốc trên tàu trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển.

Bài 1:
Nỗ lực thực hiện khuyến cáo của EC

Năm 2017, EC thông báo sẽ áp dụng biện pháp xử lý (rút thẻ vàng) đối với hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU do có nhiều tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác trái phép ở các vùng biển nước ngoài, khai thác không khai báo nên sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… làm ảnh hưởng đến thị trường và sức khỏe của người tiêu dùng. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ,

Bộ NN và PTNT, của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh và trực tiếp ban hành 29 văn bản liên tục chỉ đạo thực hiện công tác chống khai thác IUU. Tổ chức quán triệt các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chống khai thác IUU đến các cấp chính quyền và ngư dân trong tỉnh. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, UBND các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; in và phát hàng nghìn tờ rơi, bản đồ ranh giới các vùng biển Việt Nam, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; vận động chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản. Nhờ đó, đến ngày 22-7-2021, tổng số tàu cá của tỉnh đã lắp VMS là 457/530 chiếc tàu phải lắp đặt, đạt tỷ lệ 86,22%; còn lại 73 tàu chưa lắp VMS chủ yếu là tàu cá đang nằm bờ sửa chữa, tàu ngư dân mới mua từ các địa phương khác về. Thực hiện quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá theo Quyết định số 599/QĐ-TCTS-TTTS ngày 17-10-2019 của Tổng cục Thủy sản, Sở NN và PTNT đã phân quyền sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Chi cục Thủy sản đã tổ chức thường trực hệ thống giám sát tàu cá, thông báo chủ tàu và yêu cầu thuyền trưởng bật tín hiệu VMS trở lại đối với tàu cá mất tín hiệu, yêu cầu thuyền trưởng các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đưa tàu quay trở lại vùng biển được phép khai thác. Kết quả từ năm 2020 đến nay, Chi cục Thủy sản đã thực hiện 553 lượt gọi điện thông báo cho các chủ tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m bị mất tín hiệu VMS từ 10 ngày trở lên yêu cầu thuyền trưởng bật thiết bị VMS, gửi thông báo đến các cơ quan chức năng không cho các tàu cá ra khơi khi chưa bật thiết bị VMS; 190 lượt đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên mất tín hiệu dưới 10 ngày và 10 lượt đối với tàu mất tín hiệu từ 10 ngày trở lên. Đồng thời Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện ven biển đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá, trong đó quy định các bước xử lý tàu cá mất tín hiệu VMS trên biển, tàu cá vượt ranh giới vùng biển được phép khai thác, tàu cá hoạt động sai vùng ghi trong giấy phép khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản đã gửi thông báo điều tra, xác minh 201 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày và 2 tàu cá vi phạm ranh giới vùng biển Việt Nam.

Ngư dân thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu treo cờ Tổ quốc trên tàu trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển (ảnh 1); Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra, kiểm soát khu vực âu thuyền xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (ảnh 2). Bài và ảnh: Văn Đại
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra, kiểm soát khu vực âu thuyền xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy.

Hoạt động quản lý các đội tàu của tỉnh cũng từng bước được tăng cường. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.140 tàu cá với tổng số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 6.231 người; ngư trường khai thác chủ yếu là vùng biển Vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung. Chi cục Thủy sản thường xuyên tuyên truyền, thông báo tới các chủ tàu sắp hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác để chủ động liên hệ với các Trạm Thủy sản vùng để được hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá, sơn đánh dấu tàu cá… Ban Quản lý Cảng cá Nam Định thực hiện công tác kiểm soát đối với tất cả các tàu cá rời, cập bến tại Cảng cá Ninh Cơ, giám sát sản lượng và thu sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định và bố trí lực lượng thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác khi chủ tàu có nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban quản lý Cảng cá đã kiểm soát được 52 lượt tàu cập cảng, 40 lượt tàu rời cảng, sản lượng giám sát 62,7 tấn, thu 52 sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác... Bên cạnh đó, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng đại diện) đã tích cực phối hợp với Hải đội 2, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Năm 2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 74 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 516 triệu 950 nghìn đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 46 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 368,5 triệu đồng; BĐBP tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 90 phương tiện tàu, thuyền tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép, thiếu thủ tục giấy tờ, khai thác sai vùng biển được phép khai thác... với số tiền 785,5 triệu đồng.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, công tác chống khai thác IUU của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Theo Đại tá Vũ Ngọc Vân, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, việc tăng cường phối hợp thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU của các ngành, địa phương đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự vùng biển của tỉnh; hoạt động quản lý đối với người, tàu hoạt động ra, vào, làm ăn trên biển được giám sát chặt chẽ; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài và tích cực hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com