Thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

07:08, 10/08/2021

Trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh không tránh khỏi việc tác động đến môi trường như gia tăng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải, gây biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trong phát triển kinh tế tại một số địa phương, một số thời điểm chưa được tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo nguyên tắc đảm bảo bền vững, khiến xung đột giữa phát triển kinh tế và BVMT đang gia tăng.

Công ty CP Dệt Bảo Minh (KCN Bảo Minh) chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Công ty CP Dệt Bảo Minh (KCN Bảo Minh) chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Các vấn đề môi trường bức xúc liên quan đến phát triển kinh tế: Trong sản xuất nông nghiệp, chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt ngày càng gia tăng trong khi việc tái sử dụng, xử lý mới chỉ được một tỷ lệ nhỏ. Tại hầu hết các địa phương vẫn còn hiện tượng đốt bỏ rơm rạ ngay ở ruộng sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí, chai nền mặt ruộng hoặc hư hỏng công trình giao thông (đốt ven đường nơi đặt máy tuốt lúa). Tỷ lệ hộ chăn nuôi đã đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi trên toàn tỉnh còn thấp. Ở nhiều địa phương tuy đã xây dựng bể xi măng tại các ruộng để thu gom tập kết bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nhưng vẫn còn tình trạng người dân tùy tiện vứt vương vãi vỏ bao bì ra kênh mương, ruộng đồng. Trong sản xuất công nghiệp, mới có 2/3 khu công nghiệp (KCN) đã có doanh nghiệp thứ cấp vận hành sản xuất đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung. Đa số các cụm công nghiệp (CCN) trên toàn tỉnh chưa đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung theo hồ sơ pháp lý về BVMT đã được phê duyệt do chưa bố trí được kinh phí đầu tư; mới chỉ có hồ điều hòa, lắng nước thải hoặc có biện pháp xử lý sơ bộ nước thải. Tại 142 làng nghề, dù hầu hết đã xây dựng và được phê duyệt phương án BVMT nhưng việc triển khai phương án theo quy định còn nhiều bất cập. Hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Phần lớn các cơ sở trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; việc triển khai các biện pháp xử lý chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất còn nhiều hạn chế. Qua thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động ngoài khu, CCN, làng nghề cho thấy tại một số cơ sở còn tồn tại tình trạng nước thải sau xử lý có thông số chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép; thực hiện chưa đúng quy định về khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, tần suất và thông số quan trắc môi trường; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về môi trường theo quy định. 

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn, tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, các ngành, các địa phương phải tập trung giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với BVMT. Trước mắt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức BVMT trong cộng đồng dân cư, nhất là các hộ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển chất thải, nhập khẩu phế liệu và việc xử lý ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sản xuất, vận chuyển chất thải. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các yêu cầu về BVMT đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định và xử lý nghiêm các vi phạm. Thường xuyên khơi thông dòng chảy, hệ thống cống rãnh, sông ngòi tưới tiêu, nạo vét những đoạn sông ô nhiễm môi trường tại một số khu vực làng nghề. Vận hành thường xuyên và có hiệu quả các trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới; có giải pháp thu hút đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Mỹ Trung. Đôn đốc các CCN đã đi vào hoạt động mà chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì phải khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Yêu cầu 100% các khu, CCN đầu tư xây dựng mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường. Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm đặc thù của tỉnh, đồng thời chia sẻ rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com