Trăn trở người dân vùng trồng hoa

05:07, 02/07/2021

Từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nông dân trong tỉnh nói chung, người trồng hoa nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chăm sóc hoa cúc.
Nông dân Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chăm sóc hoa cúc.

Đến thôn Bình Dân, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) lúc 9 giờ sáng, dưới cái nắng hè oi ả, chúng tôi gặp vợ chồng anh Trần Văn Tính đang tỉa nụ hoa cúc. Mặc dù anh đã chuẩn bị hai chiếc ô cỡ lớn, có thể di chuyển theo từng luống hoa để che nắng khi làm nhưng mồ hôi vẫn thấm đẫm lưng áo và tấm khăn che mặt. Nghề trồng hoa đòi hỏi kỹ thuật cao, không chỉ xuống giống đúng thời vụ mà phải thường xuyên có mặt ở vườn để tưới nước, làm cỏ, tỉa lá, đánh nụ, phun thuốc kích thích sinh trưởng, đảm bảo cho hoa phát triển tốt. Nghề trồng hoa còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhiều lúc lứa hoa sắp đến kỳ thu hoạch, chỉ cần gặp đợt lạnh sâu, sương muối hoặc mưa to bão lớn… là có khi mất trắng. Vất vả là vậy mà thu nhập từ trồng hoa trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng rất bấp bênh. Giá hoa giảm mạnh, lượng hoa các đại lý trong xã và thương lái đến mua cũng giảm nhiều. Một số hộ dân do giá bán quá rẻ đã phải bỏ đi cả luống hoa... Khi dịch bệnh chưa diễn ra, lúc cao điểm có thể bán được giá 150-200 nghìn đồng/bó hoa 50 bông; nay chỉ có 10-15 nghìn đồng/bó 50 bông. Nhà anh Tính có 3 sào, chuyên trồng hoa cúc vàng và trắng. Anh cho biết, cứ 4 tháng mới thu hoạch một lứa hoa, chi phí đầu tư cho việc trồng hoa cũng lớn, từ cọc tre làm giàn, lưới che, hệ thống nước tưới đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nếu như thuê người, công tỉa nụ, làm cỏ cũng phải 180 nghìn đồng/người/ngày. Có mặt tại chợ hoa khu vực ngã ba dẫn vào thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân, không khí bán mua cũng bớt phần tưng bừng, náo nhiệt do dịch bệnh. Trước kia, vào thời điểm mùng một, ngày rằm, nhất là dịp cận tết, đây là nơi người dân tập trung thành một khu vực bán hoa cho các thương lái khắp nơi đến mua. Hoa cắt lên từ ruộng còn tươi rói được xếp thành đống lớn trên bờ đê, những khuôn mặt rạng rỡ của người mua, người bán, tạo cho làng quê vẻ đẹp ấm no, trù phú. Nằm bên bờ hữu sông Hồng quanh năm được phù sa bồi đắp, đồng đất Mỹ Tân rất thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng hoa. Hiện nay, Mỹ Tân là một trong những vùng trồng hoa lớn, chuyên cung cấp hoa tươi cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Toàn xã có trên 600 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh, với tổng diện tích 150ha; trong đó, thôn Hồng Hà 1 với khoảng 200 hộ trồng trên tổng diện tích 40ha, thôn Hồng Hà 2 với khoảng 210 hộ với tổng diện tích 40ha, thôn Bình Dân với khoảng 180 hộ trồng hoa... Diện tích trồng hoa cúc chiếm khoảng 80%, còn lại là các hoa ly, dơn, cát tường, hồng tỷ muội, loa kèn… Nhờ biết tận dụng, khai thác lợi thế của vùng đất bãi phì nhiêu, màu mỡ, kinh nghiệm lâu năm trong chăm sóc và mạnh dạn ứng dụng các  kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nghề trồng hoa đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Mỹ Tân. Thu nhập từ trồng hoa của xã đạt 650 triệu đồng/ha canh tác/năm; nhiều hộ có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các sự kiện lớn, hội nghị, hội họp tập trung đông người hạn chế nên nhu cầu sử dụng hoa trong trang trí khánh tiết giảm mạnh. Đặc biệt, nguồn hoa của xã Mỹ Tân ngoài một phần nhỏ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, còn lại chủ yếu bán đi các tỉnh. Trong khi đó, việc vận chuyển hoa đến các tỉnh gặp khó khăn do hạn chế các phương tiện vận tải đi và đến các địa phương có dịch COVID-19. Theo tính toán của người nông dân, trước đây, với giá bán 2.500-3.000/bông hoa cúc, một năm trồng từ 2-3 vụ hoa, trung bình mỗi sào thu về 40-50 triệu đồng/năm. Giá tiền một sào hoa hiện nay đã giảm hàng chục lần so với trước đây. Còn tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định), từ lâu, nghề trồng hoa, cây cảnh được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân trong xã. Tổng diện tích trồng hoa và quất cảnh hiện có 110ha, trong đó diện tích trồng quất 63ha, trồng hoa 47ha. Cùng với làng quất Vạn Diệp, làng hoa Phù Long có trên 90% hộ dân trồng hoa; mỗi hộ từ vài sào đến hàng mẫu. Không chỉ được mệnh danh là “thủ phủ” của hoa cúc với rất nhiều loại như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh, cúc đỏ; những năm qua, nhiều hội viên nông dân trong xã còn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học công nghệ mới trồng các loại hoa hồng, thạch thảo, vàng anh, ly, đồng tiền, tuy lip, huệ, loa kèn, cát tường… Xã đã thành lập được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể như “Tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến”, “Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong“, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà đầu tư, người sản xuất, nhà khoa học và thị trường, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân… Tuy nhiên, thời gian qua, cũng như nhiều nông dân các vùng trồng hoa khác trong tỉnh, người dân xã Nam Phong cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hoa. Giá các loại hoa đều giảm, trong khi chi phí cho sản xuất lại tăng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân…

Về với người dân một số vùng trồng hoa của tỉnh những ngày này, cảm nhận và chia sẻ nỗi vất vả với họ, chúng tôi thầm mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, đẩy lùi để người nông dân sau bao khó khăn, mưa nắng, lại được hưởng thành quả lao động với những vụ hoa được mùa, được giá./.

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com