Làm giàu từ vùng chuyển đổi

08:04, 09/04/2021

Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đang tích cực đầu tư cải tạo những vùng đất canh tác kém hiệu quả, chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây cảnh, rau màu các loại cho hiệu quả kinh tế cao… Nhờ đó đã phát huy tiềm năng lao động, đất đai, xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Nông dân xã Xuân Tân (Xuân Trường) với mô hình nuôi thủy sản trên vùng đất chuyển đổi.
Nông dân xã Xuân Tân (Xuân Trường) với mô hình nuôi thủy sản trên vùng đất chuyển đổi.

Xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) là vùng quê thuần nông, cốt ruộng không đều, khó canh tác; trong đó có nhiều diện tích đất thùng đào, thùng đấu sản xuất không hiệu quả. Để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, xã đã chỉ đạo đổi mới sản xuất nông nghiệp, quy hoạch diện tích đất canh tác thành 3 vùng chính gồm vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại; vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả; vùng trồng hoa, cây cảnh. Các vùng sản xuất đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng…, đảm bảo cho việc tưới tiêu đồng bộ và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Những diện tích đất công ích, đất canh tác lúa kém hiệu quả được dồn đổi, cách xa khu dân cư, tạo thuận lợi cho nông dân đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, phát triển sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, vùng chuyển đổi ở cánh đồng Thượng Đồng, thôn Lang Xá đã hình thành các trang trại cây ăn quả, cây cảnh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như trang trại của gia đình ông Trần Văn Ấp với diện tích trên 6ha, trồng cam canh, bưởi diễn, quất cảnh, chanh đào, ổi kết hợp với nuôi gà Đông Tảo, lợn nái, lợn thịt và cá truyền thống, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) nhiều năm qua cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven đê, diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh và phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Trong đó, riêng nghề trồng hoa, xã hiện có trên 600 hộ phát triển sản xuất với tổng diện tích 150ha, tập trung tại các thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2 và các thôn miền Tân Tiến. Thu nhập từ trồng hoa đạt 650 triệu đồng/ha canh tác/năm. Ngoài ra, tại huyện Mỹ Lộc còn có nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn như: Mô hình trồng mướp kết hợp nuôi thủy sản ở xã Mỹ Trung; nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà; vùng trang trại, gia trại ở xã Mỹ Thuận…Toàn huyện Mỹ Lộc hiện có khoảng 300 trang trại, gia trại, trong đó có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận.

Huyện Vụ Bản trong 5 năm qua đã chuyển đổi 264ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây cảnh, cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất; tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh với diện tích trên 10ha liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch với Công ty TNHH Toản Xuân; anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng với mô hình nuôi thỏ; anh Bùi Xuân Bình, xã Vĩnh Hào với mô hình trồng khoai tây xuân... Tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định), từ những năm 2002-2003, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quất. Bên cạnh đó, nghề trồng hoa, cây cảnh tiếp tục được xác định là kinh tế mũi nhọn của xã. Đến nay, diện tích chuyển đổi của xã tăng lên 139,9ha, thu nhập bình quân từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, diện tích trồng quất 63ha, diện tích trồng hoa 47ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm. Còn tại xã Hải Đông (Hải Hậu), khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Văn Luật ở xóm Tây Cát đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, từng bước xây dựng chuồng trại, kè ao, quy hoạch khu vực ao nuôi tôm, cá. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trang trại lớn trong và ngoài nước, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do Hội Nông dân tổ chức, anh Luật đã ứng dụng công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm các quy trình trong chăn nuôi nên mô hình trang trại của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa” gắn với quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, những năm qua, tỉnh ta đã phát huy lợi thế của từng địa phương, hình thành hàng nghìn trang trại, gia trại và nhiều vùng sản xuất tập trung. Chẳng hạn như vùng sản xuất các giống lúa đặc sản xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm (nếp cái hoa vàng, tám, dự), lúa lai, lúa thuần chất lượng cao ở các huyện phía nam của tỉnh. Vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung với các cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, lạc, đậu tương, cà chua ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản… Vùng nuôi trồng thủy sản ở các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Tại các vùng chuyển đổi, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, các cấp HND trong tỉnh vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung, tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã xuất hiện nhiều hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm an toàn có thương hiệu uy tín trên thị trường. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với trên 1.000 hộ nông dân, tổng diện tích gần 2.000ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản của Công ty Minh Dương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp với quy mô trên 200ha ở huyện Nghĩa Hưng…

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục vận động hội viên tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao, các hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp, nông thôn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán./.  

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com