Vì sao nông sản địa phương còn khó vào siêu thị?

08:04, 08/04/2021

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào trồng trọt, chăn nuôi, năng lực sản xuất của các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Nguồn cung dồi dào cùng sự đa dạng về chủng loại xây dựng được nhiều sản phẩm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, tỉ lệ nông sản của tỉnh được đưa vào siêu thị còn rất thấp, chủ yếu tiêu thụ ngoài thị trường tự do, phải chịu cảnh “được mùa rớt giá” bấp bênh, trôi nổi theo thương lái.

Miến dong truyền thống sản xuất tại làng Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
Miến dong truyền thống sản xuất tại làng Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Tại Siêu thị BigC Nam Định, các gian hàng nông sản được lấp đầy bởi hàng trăm loại nông sản tươi ngon, tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó tìm thấy được thương hiệu nông sản của tỉnh nhà. Đại diện siêu thị cho biết: Hiện đang có hơn 300 nhà cung cấp từ khắp các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, đảm bảo cung ứng nguồn hàng ổn định cho siêu thị, trong số đó chỉ có một vài đơn vị cung cấp tại tỉnh đáp ứng đầy đủ năng lực và các tiêu chuẩn mà siêu thị yêu cầu. Tại Siêu thị Co.opMart Nam Định, hệ thống các Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy), CountryMart (Hải Hậu) lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất được bày bán nhiều hơn. Trong đó có các sản phẩm: Rau an toàn Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh); trứng gà sạch Tamago của trang trại gà sạch Tamago xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc); thực phẩm chế biến sẵn Nam Phát, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phát; nông sản sấy Minh Dương, Công ty TNHH một thành viên Minh Dương (thành phố Nam Định); ngao Lenger Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam. Ngoài ra còn có các sản phẩm truyền thống của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tại địa bàn các siêu thị đứng chân như nước mắm Ninh Cơ, thủy hải sản chế biến Hùng Vương, sứa ăn liền Vạn Hoa… Tuy nhiên số lượng mặt hàng nông sản được giới thiệu, bày bán còn quá ít so với tiềm năng và thế mạnh địa phương. Đặc biệt trong thời gian qua, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng được cải thiện về năng suất, chất lượng do thực hiện hiệu quả các chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với 146 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí của chương trình OCOP. Trong đó có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 118 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Tất cả các sản phẩm này đều đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã đẹp và hoàn thiện các quy định về tem nhãn, đảm bảo các điều kiện để tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại. Nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ nông sản địa phương lên kệ siêu thị còn thấp như hiện nay là không đáp ứng các yêu cầu đối với hợp đồng cung ứng hàng hóa vào siêu thị. Theo đó ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tem nhãn được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn phải đảm bảo lượng hàng hóa ổn định, chính xác theo từng ngày, từng thời điểm và chấp thuận các điều khoản thanh toán đặt ra như: mức chiết khấu (nhiều sản phẩm chiếm tới 40% giá trị hàng hóa) và phương thức thanh toán thường áp dụng gối sóng (nhập lô sau trả lô trước) và tham gia vào chuỗi các sự kiện khuyến mại, giảm giá theo chiến lược kinh doanh của siêu thị. Trong khi quy mô sản xuất nông sản trong tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị đơn hàng chưa cao và chưa có chiến lược “lấy ngắn nuôi dài” để có đủ “tinh thần” và nguồn lực kinh tế theo các chương trình khuyến mại giảm giá, tri ân khách hàng của siêu thị. Hơn thế nữa, trình độ quản lý của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa cao, quá trình kiểm soát sản xuất còn nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng nông dân tuy ký hợp đồng nhưng “chân trong, chân ngoài” vẫn thường xuyên diễn ra. Khi sản phẩm được giá cao, nông dân thường bán tháo ra thị trường, không chấp nhận giá theo thỏa thuận, hoặc bán đi các loại hàng tốt, số sản phẩm kém chất lượng thì đùn đẩy về đơn vị thu mua, dẫn đến mất uy tín, làm suy yếu mối liên kết với doanh nghiệp. Anh Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Rau quả sạch Ngọc Anh, cho biết: Để duy trì được liên kết với Siêu thị Co.opMart Nam Định trong suốt thời gian qua, đơn vị đã phải nỗ lực thay đổi cách thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp bán lẻ. Ngoài việc cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, Công ty luôn phải đảm bảo chính xác số lượng hàng hóa và dự báo tình trạng hàng hóa trong vòng 10 ngày trước khi xuất bán… Công ty luôn đồng hành cùng với siêu thị trong các chương trình khuyến mại vào những ngày lễ, tết hoặc khi giá cả biến động mạnh, chấp nhận bù lỗ tùy từng thời điểm, hoặc khuyến mại kích cầu tiêu dùng để duy trì tốt chuỗi cung ứng. Ngoài hiệu quả kinh tế, khi tham gia chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp bán lẻ chuyên nghiệp như Co.opMart đã tạo dựng được niềm tin với khách hàng, thương hiệu của Công ty cũng vì thế mà ngày càng được khẳng định. Thực tế việc đưa nông sản vào siêu thị với những doanh nghiệp có tiềm năng thì việc duy trì cung ứng sản phẩm cho siêu thị đã là một “cố gắng” còn đối với các hợp tác xã, hộ gia đình quy mô sản xuất nhỏ hơn thì vẫn còn nhiều băn khoăn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã rau sạch Yên Mỹ (Ý Yên) Nguyễn Văn Bản cho biết: Hợp tác xã sản xuất rau sạch với năng lực cung ứng ra thị trường khoảng vài tạ rau ăn lá, bí, mướp, đậu đỗ các loại ra thị trường. Đưa nông sản vào siêu thị là mục tiêu của hầu hết các cơ sở sản xuất nhưng đến thời điểm hiện tại. Hợp tác xã vẫn chưa đạt được nguyện vọng đó bởi còn quá nhiều rào cản, đặc biệt là tỷ lệ chiết khấu quá cao, cũng như phương thức thanh toán gối sóng. Hơn thế nữa, trong trường hợp có sự cố cung ứng hàng hóa, cơ sở sản xuất sẽ là người chịu thiệt. Với năng lực tài chính còn hạn chế, nguồn lao động ngày một khan hiếm, hợp tác xã chưa thể ổn định sản lượng hàng hóa đưa vào hệ thống các siêu thị, chúng tôi đành tìm đối tác khác là những cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện lợi, bếp ăn tập thể để cung ứng hàng hóa.

Đưa nông sản vào siêu thị trong thời điểm hiện tại đang là “mục tiêu kép” về hiệu quả kinh tế cũng như uy tín thương hiệu. Để mở rộng cánh cửa đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, cần có giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để khắc phục các hạn chế, nâng cao năng lực quản lý; năng lực tài chính; quy mô sản xuất; đầu tư công nghệ sơ chế, chế biến và cần có tư duy làm việc chuyên nghiệp. Đây là nền tảng nâng cao giá trị thu nhập cho nông sản địa phương, tạo đà cho phát triển nông nghiệp bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com