Sẵn sàng phương án bảo vệ các tuyến đê, kè đã xuống cấp

08:04, 06/04/2021

Tuyến kè khu du lịch biển thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) dài gần 2km, bảo vệ hệ thống hạ tầng các ki-ốt, nhà hàng, hạ tầng khu du lịch và bảo vệ tuyến đê biển Thịnh Long cách đó khoảng 200m, nơi có 136 cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch và các cơ quan hành chính như Chi nhánh Ngân hàng, Bưu điện, Công an, bến xe khách với tổng số lao động làm việc lên tới gần 1.000 người. Theo UBND huyện Hải Hậu, hệ thống kè biển khu du lịch Thịnh Long đã được Nhà nước quan tâm đầu tư khá kiên cố, đồng bộ. Tuy nhiên từ tháng 8-2020 đến nay, do ảnh hưởng mưa bão kết hợp triều cường đã làm sạt lở 13 vị trí trên tuyến kè. Diện tích tại các hố sạt rộng tới hơn 135m2, đặc biệt có nhiều vị trí sạt lở lan rộng tới sát mép các cửa hàng kinh doanh của người dân. Ngay sau khi xảy ra sự cố các điểm kè khu du lịch thị trấn Thịnh Long bị sạt lở, huyện Hải Hậu đã xử lý giờ đầu sự cố bằng rọ thép, đổ bê tông tại chỗ để hạn chế tác động của sóng biển. Tuy nhiên giải pháp tình thế này không cầm cự lâu dài được với tình huống sóng biển to; hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người dân sát trên toàn bộ tuyến đường du lịch phải chịu nhiều tác động tiêu cực.

Lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu rà soát, xác định nguy cơ mất an toàn của tuyến đê biển thị trấn Thịnh Long.
Lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu rà soát, xác định nguy cơ mất an toàn của tuyến đê biển thị trấn Thịnh Long.

Không chỉ ở huyện Hải Hậu, trong tổng số 663km đê sông, đê biển và gần 150km kè trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều tuyến đê, kè bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã xuống cấp, cần quan tâm tu sửa, nâng cấp. Tại xã Giao Hải (Giao Thủy), đoạn sông từ Cồn 5 ra cống Cai Đề, lưu lượng dòng chảy rất lớn, gây sạt lở nghiêm trọng khoảng 2.500m hai bên đường dọc theo tuyến sông và khoảng 600m tuyến đê dự phòng gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông cũng như công tác phòng chống thiên tai (PCTT). Trên tuyến đê sông, cử tri huyện Nam Trực đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khảo sát đánh giá, bố trí nguồn lực kè chống sói lở bờ sông Châu Thành đoạn từ thôn Bố xã Nam Hải đến cống sông Cầu làng Xuân Dương xã Nam Thái để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho nhân dân ở khu vực này. Cử tri huyện Trực Ninh kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để kè sông từ cầu Vô Tình đến cống Văn Lai vì hai bên bờ sông đã bị sạt lở nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất và PCTT.

Tỉnh ta có hệ thống đê, kè, cống lớn, đã xây dựng khai thác từ lâu, cộng với điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, gây nhiều tác động tiêu cực. Trong khi chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho nguồn thu càng giảm sút khiến tỉnh khó điều hành, bố trí ngân sách để đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu đầu tư cho các công trình, dự án, nhất là các công trình đê điều, PCTT đòi hỏi nhiều vốn. Do đó, tỉnh đã chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên, cải tạo, nâng cấp trước các công trình đê kè, PCTT, lụt bão, đảm bảo an ninh quốc phòng đã bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao. Đáng kể trong năm 2020 đã tập trung xử lý cấp bách các công trình đê điều của tỉnh bị sự cố ảnh hưởng của bão lũ năm 2017; nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào. Năm 2021, tỉnh phân bổ, giải ngân nguồn vốn Trung ương trong nước cho các dự án: Nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão đê hữu sông Hồng và tả sông Đào thành phố Nam Định với tổng vốn 13,235 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; bố trí vốn khởi công dự án cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh với tổng vốn 70 tỷ đồng...

Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai tác động tiêu cực trong mùa mưa bão năm nay, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương làm chủ tình thế, sẵn sàng bảo vệ các tuyến đê, kè, PCTT. Yêu cầu các ngành chức năng, địa phương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình đê điều trước mùa lũ, bão, tổng hợp các trọng điểm, vị trí xung yếu đê, kè, cống để xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí xung yếu cũng như phương án bảo vệ đê kè toàn tuyến. Hiện, các cấp, ngành đang tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN, rà soát, xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, các cấp độ rủi ro thiên tai, phương án sơ tán dân ở các vùng bối, bãi, phương án bảo vệ các dự án, công trình đang thi công, phương án chống úng để bảo vệ sản xuất; thường xuyên kiểm tra theo dõi diễn biến tình trạng đê điều, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các công trình đê, kè, cống đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng thời gian quy định. Các huyện, thành phố đôn đốc thực hiện các phương án PCTT đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, lưu ý chỉ đạo xử lý kịp thời nếu xuất hiện những sự cố xảy ra đối với công trình PCTT. Các xã, thị trấn chủ động kiện toàn, bổ sung, duy trì lực lượng xung kích PCTT theo hướng tổ chức biên chế lực lượng xung kích thành 2 bộ phận. Trong đó, một bộ phận làm nhiệm vụ xung kích cơ động trên địa bàn, một bộ phận thường trực cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo sự điều động của cơ quan cấp trên. Đặc biệt, việc chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với các loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai được cấp xã quan tâm thực hiện. Ngay khi trường hợp xảy ra thiên tai ngập lụt, nước dâng ở mức rủi ro cấp độ 1 mà vượt quá khả năng ứng phó, thì xã phải kịp thời đề nghị để cấp huyện huy động nguồn lực hỗ trợ ứng phó. Ngoài ra, việc duy trì chế độ trực PCTT cũng được thực hiện nghiêm nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, đặc biệt là khắc phục hậu quả, xử lý ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com