Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng

06:04, 08/04/2021

Đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ công và chi trả chương trình an sinh xã hội thông qua hệ thống ngân hàng là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số; góp phần xây dựng chính quyền điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế.

Đăng ký mở tài khoản thẻ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Giao Thuỷ.  Bài và ảnh: Đức Toàn
Đăng ký mở tài khoản thẻ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Giao Thuỷ. 

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại đẩy mạnh chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ khách hàng mở thẻ, tiếp cận với các dịch vụ tiện ích hiện đại trên nền tảng internet, tiếp tục mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; tuân thủ các quy định về hoạt động thanh toán thẻ, ATM và đảm bảo chất lượng dịch vụ an ninh, an toàn ATM. Tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính tiện lợi, hữu ích của thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội nói riêng. Để hỗ trợ thực hiện tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định đã tiến hành mở tài khoản, kết nối với cổng thanh toán dịch vụ công của tỉnh, cổng Dịch vụ công Quốc gia. Các đơn vị khác như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Công ty Điện lực Nam Định, Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công như chi trả BHXH, thu, nộp ngân sách Nhà nước, tiền điện, tiền nước, cước dịch vụ viễn thông, internet, học phí, viện phí. 

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để phục vụ mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt hiệu quả cao, đồng bộ, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 213 điểm ATM, đã phát hành hơn 1 triệu 115 nghìn thẻ ATM. Việc thanh toán quẹt thẻ từng bước được người dân đón nhận với 386 chiếc máy POS lắp đặt tại 336 đơn vị cung ứng hàng hoá dịch vụ. Năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua máy POS là 150.503 giao dịch với tổng giá trị là 710 tỷ 252 triệu đồng. Các đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ thống ATM trên địa bàn theo các quy định của NHNN. Chất lượng dịch vụ hệ thống ATM ngày càng được nâng lên rõ rệt, hoạt động thông suốt, các thắc mắc, khiếu nại được giải quyết nhanh nhất, qua đó đã tạo được niềm tin cho khách hàng. 

Đến nay, 1.206 đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã trả lương qua tài khoản với 39.225 người, chiếm 98,8% tổng số đơn vị. Ngoài đối tượng hưởng lương từ ngân sách, các ngân hàng thương mại cũng phối hợp các doanh nghiệp thực hiện trả lương cho nhân viên, người lao động qua tài khoản. Đến nay, có 262 doanh nghiệp tham gia trả lương qua tài khoản với tổng số 147.488 tài khoản. Đối với dịch vụ thu hộ thuế, tỷ lệ các doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử là 98%, tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 99%. Năm 2020, các ngân hàng đã thực hiện thu hộ 150.334 món với giá trị hơn 4.448 tỷ đồng. Về thanh toán tiền điện, các ngân hàng đã thu hộ 372.763 món với số tiền 408 tỷ 629 triệu đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Bắc Nam Định, Vietcombank Chi nhánh Nam Định đã tiến hành thu hộ 2.548 món tiền nước với số tiền 55 tỷ 656 triệu đồng. Về dịch vụ thanh toán tiền học phí, hiện Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định đã triển khai thanh toán học phí cho các trường: Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Trường Mầm non Lộc Vượng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thành Nam đã triển khai thanh toán học phí qua ngân hàng với Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. MB Bank Chi nhánh Nam Định đã phối hợp với các trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT Ngô Quyền, THPT Mỹ Lộc, THPT Nghĩa Minh thu hộ học phí. Hình thức thanh toán đang áp dụng cho việc thanh toán tiền học phí là nộp tiền tại quầy, chuyển khoản hoặc trích nợ tự động. Ngoài ra, các ngân hàng cũng mở rộng dịch vụ tại một số trường như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các trường mầm non trên địa bàn thành phố, khối trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn huyện Ý Yên và huyện Hải Hậu. Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định đã ký kết hợp đồng hợp tác thanh toán viện phí không dùng tiền mặt với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh, dự kiến triển khai thực hiện trong quý II-2021. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã tiếp cận với Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Trung tâm Y tế thành phố Nam Định và một số bệnh viện tuyến huyện để truyền thông về các giải pháp thanh toán tiền viện phí không dùng tiền mặt; các đơn vị đang nghiên cứu để triển khai thực hiện. Các dịch vụ chi trả an sinh xã hội đã được Vietinbank Chi nhánh Nam Định và LienVietPostBank Chi nhánh Nam Định phối hợp triển khai thông suốt, hiệu quả. 

Có thể nói, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh, nỗ lực của ngành Ngân hàng; sự ủng hộ, phối hợp của các đơn vị liên quan, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong gần 2 năm qua đã thực sự chuyển biến mạnh mẽ. Những tiện ích từ thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng đã tạo được chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của người dân, từng bước trở thành thói quen trong đời sống tiêu dùng hàng ngày. Đây là một nền tảng quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt dịch vụ công qua ngân hàng, triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hoá chưa được đồng bộ nên các bệnh viện khó kết nối với ngân hàng để thanh toán điện tử. Một số bệnh viện chưa sẵn sàng áp dụng thanh toán viện phí qua ngân hàng vì lo ngại về các thủ tục, quy định của pháp luật, phí dịch vụ ngân hàng nên ngân hàng khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng tiền mặt của bệnh nhân cũng là một trở ngại lớn cần có thời gian để thay đổi.

Để đáp ứng mục tiêu của Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh NHNN tỉnh đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các sở, ngành liên quan, UBND thành phố, các huyện chỉ đạo tất cả các trường học, bệnh viện phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai và thực hiện thu học phí, viện phí qua ngân hàng với thời gian, lộ trình, kế hoạch cụ thể. Yêu cầu các ngân hàng tích cực đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công qua ngân hàng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com